Phát triển phần mềm thời mã mở.

Chủ nhật - 11/11/2007 07:28
“Cuộc đua” gia công phần mềm ngày càng khó khăn hơn. Những quốc gia mới nổi trong bản đồ gia công phần mềm như Ethiopia, Ba Lan, Uruguay, Ai Cập... đã làm nóng thị trường với chính sách giá thấp, hấp dẫn không kém Việt Nam, Philippines. Nhưng điều khó chịu nhất là phải trả lời câu hỏi thường trực của khách hàng khi họ được chào mời một sản phẩm phần mềm : “tại sao tôi phải mua (hay sử dụng) sản phẩm của công ty anh trong khi có thể tải về miễn phí sản phẩm nguồn mở với tính năng tương tự ?”

Không chỉ nhân viên bán hàng, mà giám đốc điều hành các công ty phần mềm cũng đang tìm cách trả lời câu hỏi này. Nội dung câu trả lời sẽ ảnh hưởng đến cả đường lối kinh doanh và chiến lược phát triển của công ty.

Cách tiếp cận thị trường mới

“Mươi, mười lăm năm trước, 80-90% lợi nhuận của các công ty phần mềm lớn là thu được từ việc bán bản quyền phần mềm, ngày nay con số này giảm xuống chỉ còn 50%,” Bob Hayward, Phó chủ tịch Gartner châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá. Việc bán bản quyền (license) các hệ thống như CRM (Customer Relation Management), LMS (Learning Management System)… theo tháng hoặc năm đã trở nên khó chấp nhận đối với khách hàng. Những công ty dẫn đầu tại Silicon Valley đã triển khai một cách tiếp cận khác : SAAS (Software as a Service) để “dụ dỗ” khách hàng tiếp tục mở hầu bao cho những giá trị cộng thêm mà công ty họ phải đưa vào. Điều dễ hiểu là công ty phần mềm phải bỏ thêm chi phí để duy trì sự hấp dẫn và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Chưa bao giờ cộng đồng phần mềm nguồn mở phát triển phong phú như hiện nay. Cách đây năm năm, một công ty phần mềm phải đầu tư rất nhiều vốn liếng để tự phát triển từ đầu một web portal. Hiện nay, tất cả có thể tải về mã nguồn (source code) của một web portalcó chức năng phong phú như DotNetNuke, Rainbow. Ngay cả những hệ thống ứng dụng cho doanh nghiệp như CMS, CRM cũng được cung cấp miễn phí. Trong khi đó, theo Jason Fried, Giám đốc Công ty 37Signals, “phần mềm doanh nghiệp đang chết dần bởi chúng cồng kềnh, không mấy hiệu quả và quá đắt đỏ”.

Trong các công ty đang nỗ lực đưa phần mềm nguồn mở vào môi trường doanh nghiệp, IBM tỏ ra đúng đắn nhất với các trọng tâm dịch vụ và đào tạo. IBM đã xây dựng các trung tâm toàn cầu “Centers of Competency” để đào tạo khách hàng về mã nguồn mở từ nhiều năm nay. “Những trung tâm này góp phần nâng cao mức độ nhận thức về mã nguồn mở,” nhà phân tích George Weiss của Gartner nhận xét. “Chúng chỉ ra cách thức Linux có thể ứng dụng trong các ngành công nghiệp cụ thể, và đó là điều rất hấp dẫn với nhiều công ty.” Và kết quả là, chỉ riêng Linux đã mang lại cho IBM hàng tỷ đô-la lợi nhuận mỗi năm. Như vậy, sự phát triển mã nguồn mở không hề tỷ lệ nghịch với khả năng sinh lời. Mã nguồn có thể miễn phí, nhưng “mỏ vàng” lại xuất hiện trong quá trình hỗ trợ phần mềm, đào tạo và xuất bản. Dịch vụ cộng thêm đem lại giá trị gia tăng cho các giải pháp phần mềm mở. Đó chính là câu trả lời.

Các công ty phần mềm cũng đã khôn ngoan hơn khi phát triển các sản phẩm. Họ tận dụng những thư viện có sẵn, thậm chí những giải pháp nguồn mở có sẵn để rút ngắn thời gian phát triển. Các công ty phần mềm cũng tích hợp các module mã nguồn mở vào ứng dụng của họ khiến ứng dụng trở nên phong phú hơn về tính năng. Họ cũng có thể lấy các mã nguồn mở về để phát triển, thêm module, chức năng và bán chúng như là sản phẩm thương mại. Người dùng là người được hưởng lợi nhiều nhất bởi với cùng một chi phí như trước nhưng sản phẩm được tích hợp nhiều chức năng hơn.

Một số công ty phần mềm chuyên biệt hóa giải pháp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng khách hàng. Cùng một giải pháp phần mềm nguồn mở, có khách hàng muốn thay đổi thiết kế để đáp ứng số lượng lớn user (hàng trăm ngàn, hàng triệu). Có khách hàng muốn thay đổi giao diện cho đẹp hơn hoặc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có khách hàng lại muốn hệ thống mới “nói chuyện” (trao đổi dữ liệu) với những hệ thống sẵn có bằng cách triển khai những web service hoặc data broker theo kiến trúc SOA (Service Oriented Architecture) hoặc SBA (Service Broker Architecture). Ngay cả nội bộ các công ty cung cấp phần mềm cũng đang xem xét lại quá trình sản xuất, nếu thấy sản phẩm không thuộc chiến lược kinh doanh của mình, hoặc không bán được trên thị trường thì có thể cung cấp như là mã nguồn mở. Mở để phát triển mạnh hơn và liên kết mạnh hơn, đó cũng là cách mà mạng xã hội facebook.com đang tiếp cận.

Cách thông minh hơn là sử dụng những giải pháp nguồn mở có sẵn để đem lại mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là khai thác nội dung. Với giải pháp CMS nguồn mở, tại Việt Nam ba năm vừa qua đã ra đời rất nhiều tờ báo mạng. Nhiều forum, portalliên tục ra đời, nhưng đặc biệt tập trung vào những phân khúc hẹp hơn về thông tin và cộng đồng mạng – chuyên biệt hóa và cá nhân hóa. Ví dụ:http://www. massogroup.com hoặc http://www.lanta brand.com cho cộng đồng thương hiệu, http://www.crm vietnam.com cho cộng đồng CRM, http://www. photo.vn cho cộng đồng nhiếp ảnh số. Đỉnh cao là hàng loạt mạng xã hội (web 2.0) đang liên tục tấn công vào thị trường, như cyworld.vn, yobanbe.com hay clip.vn. Dường như giải pháp kỹ thuật không còn là một thử thách lớn nữa, mà vấn đề chính yếu là hãy đem đến một ý tưởng kinh doanh sáng tạo hơn.

Vấn đề sở hữu trí tuệ

Phần mềm nguồn mở không có nghĩa là cho không, dùng không. Dù cộng đồng người sử dụng và các chuyên gia phát triển có thể chỉnh sửa và phân phối phần mềm nguồn mở một cách tự do, nhưng những gì bạn hưởng lợi từ cộng đồng, hãy chia sẻ với cộng đồng. Đó là tinh thần chính yếu của luật cấp phép bản quyền (license) trong cộng đồng mã nguồn mở. Chúng ta không thể sống ích kỷ trong một cộng đồng mở.

Các luật bản quyền hiện nay có ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng mã nguồn mở là :

- GNU General Public License (GPL), version 2.0 và 3.0

- GNU Lesser General Public License (LGPL), version 2.1 và 3.0

- Apache License, version 2.0 và một số luật khác có thể tham khảo tại http://www. fsf.org/licensing/licenses/

Các công ty phần mềm cần cẩn thận và nghiêm túc hơn khi sử dụng các giải pháp phần mềm nguồn mở. Bản thân công ty và những nhân viên trong bộ phận phát triển phần mềm, từ lập trình viên cho đến nhân viên lập tài liệu..., nên tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền đối với tất cả những nội dung, đoạn mã, thư viện lập trình, hình ảnh, tài liệu… tham khảo hay sử dụng từ cộng đồng mã nguồn mở và dự án của khách hàng. Đôi khi trưởng dự án không hay biết khi một lập trình viên trong nhóm vô tình chép đoạn mã từ các website lập trình mã nguồn mở nào đó trên Internet. Và đó sẽ là cả một vấn đề nếu khách hàng hoặc cộng đồng mã nguồn mở phát hiện ra.

Khách hàng của những công ty phần mềm cũng phải cẩn trọng không kém. Những khách hàng là doanh nghiệp, nếu vô tình sử dụng những giải pháp phần mềm vi phạm, sẽ có nguy cơ bị kiện cao hơn.

Thoái trào trong tương lai ?

Sẽ chẳng thú vị nếu không có phần mềm nguồn mở, nhưng cũng chẳng dễ dàng gì “sống chung” với mã nguồn mở. Với sự phát triển của mã nguồn mở như hiện nay, việc phát triển phần mềm để kinh doanh đang khó khăn hơn bao giờ hết. Các công ty phần mềm đang thận trọng chuyển dịch những hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp với xu thế mới. Phần mềm nguồn mở đang không ngừng bám rễ vững chắc trong thị trường thế giới và thị trường trong nước.

Có điều, cũng như các trào lưu khác, phần mềm nguồn mở rồi cũng sẽ đến lúc thoái trào. Thay đổi về lượng tất yếu dẫn đến thay đổi về chất. Có thể sắp tới tất cả phần mềm đều mở và miễn phí. Steve Ballmer, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Microsoft, tiên đoán phần mềm trong tương lai sẽ hoàn toàn miễn phí. “Nguồn thu chính của Microsoft trong khoảng 3-4 năm tới sẽ là từ quảng cáo,” S. Ballmer nhấn mạnh. Trong khi đó, có người lại cho rằng các phần mềm đều miễn phí và bạn sẽ chỉ phải trả tiền cho dịch vụ hỗ trợ và nâng cấp. Tất nhiên về phía người dùng thì chẳng một ai hào hứng quay lại với cách phải trả hàng trăm đô-la cho giấy phép sử dụng phần mềm như Microsoft Office hay Windows Vista.

Nguyễn Cao Tùng
Giám đốc điều hành Công ty NDEX Technologies Vietnam(*)

Nguồn tin: Thời báo Vi tính Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về NukeViet CMS

CMS là gì? CMS là từ viết tắt từ Content Management System. Theo wikipedia Định nghĩa. Hệ quản trị nội dung, cũng được gọi là hệ thống quản lý nội dung hay CMS (từ Content Management System của tiếng Anh) là phần mềm để tổ chức và tạo môi trường cộng tác thuận lợi nhằm mục đích xây dựng một hệ...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập169
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay38,959
  • Tháng hiện tại332,423
  • Tổng lượt truy cập94,679,076
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây