Đi tìm nguyên nhân "đảo chính" tại Nhóm Mua

Chủ nhật - 25/11/2012 12:47

Tom Trần (bên phải) bắt tay vui vẻ với các nhà đầu tư hồi tháng 9.2011

Tom Trần (bên phải) bắt tay vui vẻ với các nhà đầu tư hồi tháng 9.2011
Cái cách Tom Trần bị đẩy ra khỏi vị trí CEO của Nhóm Mua khi đang đi nghỉ cùng gia đình và những lùm xùm quanh các trụ sở của Nhóm Mua tại TPHCM và Hà Nội đã dấy lên những bàn tán về mối quan hệ giữa các nhà đầu tư và người khởi lập và vận hành doanh nghiệp này.

Vì sao Tom Trần bị “loại”?
"Hôn nhân" và rạn nứt

Chỉ sau khoảng 1 năm nhận vốn đầu tư từ các quỹ, Nhóm Mua đã tuyên bố giành 60% thị phần thị trường bán hàng giảm giá theo nhóm. Nhưng…

Năm “trăng mật ngọt ngào”

Nhommua.com hoạt động trong khoảng ba năm trở lại đây theo kiểu bán hàng/mua giảm giá theo nhóm. Người đứng đầu của doanh nghiệp này, được biết đến là Tom Trần chứ không ai khác.

Tom Trần (tên thật là Trần Đức Thắng)- là Việt kiều Mỹ trở về Việt Nam mở nghiệp. Nhiều người biết đến Tom Trần từ khoảng năm 2004 với dịch vụ tìm đường diadiem.com. Theo các nguồn tin, Tom Trần đã bỏ hàng trăm ngàn USD tiền túi để phát triển dịch vụ này trước khi IDG Ventures nhảy vào.

Cách đây 15 tháng, thị trường công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam phát sốt với thông tin diadiem.com và nhommua.com nhập thành M.J Group và doanh nghiệp mới toe này được IDG Ventures và hai quỹ đầu tư khác là Rebate Networks và Ru-net Global đầu tư, với tổng số vốn đầu tư công bố trên báo chí lên đến 60 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng).

Dù con số 60 triệu USD ấy khi đó nằm trên giấy; dù giới thạo tin thì bảo rằng đó là số “thỏa thuận đầu tư” (deal) và sẽ phải chia làm nhiều gói, nhưng hình ảnh Tom Trần và các nhà đầu tư khi đó: Tay bắt mặt mừng. Khởi đầu một cuộc “hôn phối” được cho là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2011.

Phát triển và rạn nứt
Tuy nhiên, “lương duyên” MJ Group sau hơn một năm đã bộc lộ những rạn nứt, dù rằng Nhóm Mua tăng trưởng vù vù. Theo công bố của doanh nghiệp này, nhommua.com chiếm đến 60% thị phần của thị trường bán hàng giảm giá theo nhóm.

Tăng trưởng nóng được cho là nhờ sức mạnh của dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn. Trong khoảng hai năm qua, Tom Trần bung ra quảng bá ầm ỹ và tuyên bố sẽ dẹp thị trường bán hàng theo nhóm chỉ còn khoảng 3 Cty. Có vẻ như sự vung tay của Tom đối với nhà đầu tư là một tín hiệu không hay, vì cho thấy Tom đã vượt tầm kiểm soát của họ. Mâu thuẫn bắt đầu từ đây chăng?

Theo các tài liệu, đến tháng 1.2011, ông Vũ Thành Trung đại diện cho các nhà đầu tư nắm 72,73% số cổ phần tại doanh nghiệp này; còn ông Tom Trần giữ 27,27% số cổ phần còn lại. Cổ phần ít hơn, nhưng ông Tom Trần lại nắm cả hai chức vụ quan trọng nhất (chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc).

Và trên thực tế, dù bung ra mạnh mẽ, bán được cả triệu phiếu mua hàng hay có đến vài chục ngàn khách hàng, nhưng những người trong cuộc cho biết ngành bán hàng giảm giá theo nhóm nói chung hay Nhóm Mua nói riêng vẫn còn đang lỗ.

Không biết Nhóm Mua đã tiêu hết bao nhiêu trong 60 triệu USD vốn đầu tư theo tuyên bố; nhưng thông tin từ nội bộ cho thấy áp lực lỗ lã cũng là vấn đề khiến các nhà đầu tư thấy sốt ruột.

Những cuộc trao đổi với giọng điệu căng thẳng giữa một bên là những người điều hành doanh nghiệp và một bên là đại diện của các nhà đầu tư về việc chi tiêu của Nhóm Mua được cho là khởi đầu cho việc chấm dứt mối lương duyên.

Vì sao quan hệ giữa người khởi lập và vận hành doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Nhóm Mua lẽ ra phải êm xuôi vì “cùng hội, cùng thuyền”, lại theo cái hướng mà giới quan sát gọi là "dìm cả con thuyền"?

Có Judas ở Nhóm Mua?

Có vẻ như cái cách “nhanh chóng phá thành, chiếm đất” không ngại phải chi bạo tay của những người điều hành tại Nhóm Mua lại làm các nhà đầu tư đứng ngồi không yên, khi mà mô hình bán hàng giảm giá theo nhóm trên thế giới bộc lộ những vấn đề.

Một e-mail trao đổi trong nội bộ của Nhóm Mua được lộ ra ngoài chứng minh những minh mâu thuẫn trong vận hành tại Nhóm Mua.

Nhà điều hành "bành trướng", nhà đầu tư xót tiền?
Việc đổ tiền nhanh chóng giành thị phần của Nhóm Mua năm 2011 được cho là “hợp thời”. Năm đó, Groupon (cha đẻ của mô hình bán hàng giảm giá theo nhóm) đang có những thành công rực rỡ với doanh thu 760 triệu USD. Có lẽ ở thời điểm ấy, các nhà đầu tư còn đang mơ về một thị trường “khủng” trong tương lai.

Ấy nhưng, chỉ một năm sau khi “lên sàn” (năm 2012), cổ phiếu của Groupon bị mất đến 80% giá trị. Lúc này, các nhà đầu tư có lẽ bắt đầu xót tiền.

Với hơn 70% cổ phần trong tay và chỉ với một đại diện là ông Vũ Thành Trung, phía các nhà đầu tư nếu muốn “phế” Tom Trần thì theo logics là việc đơn giản. Ông Trung được cho là người đại diện của IDG Ventures trong Nhóm Mua, giờ đại diện cho đa số cổ phần.

Và cũng theo logics, các nhà đầu tư chắc chả muốn tai tiếng, lùm xùm để nhommua.com đã phải đóng cửa trong suốt 4 ngày (từ 13 - 17.11); để uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp dẫn đầu thị trường này bị sứt mẻ; để những hình ảnh mang tính trấn áp của ban lãnh đạo mới với nhân viên của Nhóm Mua lan tràn trên Internet… Bởi những yếu tố này, nếu không kịp kiểm soát, có thể dìm cả “con thuyền nhommua.com”.

Việc các nhà đầu tư hợp lực để thay thế ban điều hành khi thấy việc điều hành doanh nghiệp không như mong muốn âu cũng là chuyện thường tình trong kinh doanh, cho dù người điều hành có là người sáng lập của doanh nghiệp ấy. Và, chỉ với chưa đến 30% cổ phần- kể cả Tom Trần có muốn và rất quyết tâm- cũng không thể đi ngược lại quyết định của phe đa số.

Và nếu theo kịch bản ấy, mọi chuyện ở Nhóm Mua sẽ êm xuôi. Sẽ chẳng có xáo động gì ở Nhóm Mua.

Đồn đại về Judas ở Nhóm Mua

Nhưng thực tế, sự việc lại không diễn ra theo logics ấy. Tom Trần bị thay thế khi đang đi nghỉ cùng gia đình ở một vùng biển xa xôi của Châu Mỹ. Tom Trần vắng mặt ở cả hai cuộc triệu tập họp hội đồng thành viên và phía bên kia "xuống tay", đưa Kyle Phạm đang là CFO (giám đốc tài chính) lên làm giám đốc điều hành (CEO). Chỉ có điều, con dấu Cty nghe đồn còn do bà dì của Tom làm kế toán trưởng Nhóm Mua nắm giữ, thì không biết ông Trung lấy đâu ra để đóng dấu hợp thức hóa các văn bản phát đi cho báo chí?

Cái cách mà truyền thông loan tin về việc “thay tướng” ở Nhóm Mua cũng ẩn chứa những sự không bình thường.

Trước hết ,đó là thông tin việc công an tiến hành điều tra Nhóm Mua liên quan tới Tom Trần, do chính ông Vũ Thành Trung xác nhận với báo chí. Thế nhưng, cơ sở của vấn đề này chỉ thấy gọn lỏn tờ “giấy giới thiệu công tác” của Cục Cảnh sát kinh tế giới thiệu cán bộ đến xác minh, thu thập tư liệu về hoạt động của Nhommua. Khi dư luận tiếp nhận thông tin này dễ hiểu theo hướng Tom Trần bị dính líu đến pháp luật nên bị thay thế, hơn là một cuộc đấu trong nội bộ Nhóm Mua.

Xét về mặt quyền lợi, việc IDG Ventures cùng các quỹ đầu tư hợp phiếu lật Tom Trần cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cái cách nhân viên của Nhóm Mua dưới triều Tom Trần bị dồn ra khỏi trụ sở ở quận 2, TPHCM và chi nhánh tại Hà Nội bị niêm phong, website bị ngừng hoạt động, cho thấy có gì đó bất thường.

Trên các blog cá nhân của một số người liên quan đến Nhóm Mua đã nhắc đến những Judas ở Nhóm Mua, coi đây là những kẻ không chỉ lật Tom Trần mà còn phá hoại Nhóm Mua. Những câu hỏi kiểu như: Nếu Nhóm Mua suy yếu thì ai được lợi nhất; hay những thắc mắc rất hợp lý rằng tại sao với quyền lực của hơn 70% cổ phần, tại sao không tiến hành ''thay tướng'' một cách êm xuôi, chứ không để tình trạng hỗn loạn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động và uy tín của doanh nghiệp?

Website Nhóm Mua đã hoạt động trở lại- theo như thông tin Kyle Phạm cho biết- là Cty sẽ hoạt động lại bình thường sau khi đã kiểm kê xong. Tuy nhiên tại Nhóm Mua, hiện nay còn không ít nhân viên dưới "triều đại" Tom Trần cảm thấy bị sốc và bị ban lãnh đạo mới nghi ngờ. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ một cuộc thanh trừng trong tương lai.

Cho dù ba quỹ đầu tư trên và ban lãnh đạo mới của Nhóm Mua muốn điều chỉnh hoạt động của Cty này theo hướng minh bạch và lành mạnh hóa đi nữa, nhưng cách họ hành xử - từ việc phế truất Tom Trần đến ngừng hoạt động Nhommua.com bất chấp lợi ích khách hàng cũng như dồn nhân viên ra khỏi trụ sở- đã tạo ra một vết ố cho ngành groupon tại Việt Nam.

Và vết ố này lại dính đến các quỹ đầu tư vốn dĩ luôn có cách điều hành, xử lý vấn đề bài bản như IDG Ventures, thì lần này lại xử lý đầy bất ổn một cách bất thường.

 

Hôm nay (22.11), trang Facebook TheFactAboutNhomMua (Sự thực về Nhóm Mua) đã không thể truy cập. Các thông tin theo hướng biện hộ cho ban điều hành cũ ở Nhóm Mua cũng mất hút theo.


Bà Becky Lam khẳng định là hiện đang giữ dấu của Nhóm Mua. Trong ảnh là mẫu con dấu của Nhóm Mua từng công bố trong vi bằng được tải lên TheFactAboutNhomMua.

Giới quan sát cho rằng, việc trang TheFactAboutNhomMua biến mất chứng tỏ những thay đổi mới cho thấy, dường như đang có sự thoả thuận hay thoả hiệp giữa Tom Trần - sáng lập và vốn là CEO của Nhóm Mua - với phía các nhà đầu tư.

Theo một nguồn tin riêng của Lao Động thì Tom Trần đã kết thúc kỳ nghỉ và đang trên đường trở lại Việt Nam. Có thể, việc TheFactAboutNhomMua được khép lại thể hiện thiện chí của Tom Trần với phía các nhà đầu tư để có hướng giải quyết tích cực cho Nhóm Mua, tránh thêm những thiệt hại (vốn đã rất nặng nề sau sự kiện ngày 13.11).

Trước đó, phóng viên Báo Lao Động đã cố gắng liên lạc với Tom Trần và được Tom Trần giới thiệu với Becky Lam - người được Tom Trần uỷ quyền điều hành Nhóm Mua trong thời gian Tom Trần đi nghỉ.

Bà Becky Lam khẳng định mình là người giữ con dấu của Nhóm Mua (cho đến hiện tại). Theo bà Becky, bản scan vi bằng trên TheFactAboutNhomMua đã chứng thực điều này. "Cho dù Hội đồng quản trị ký giấy trao quyền cho anh Kyle mà không có dấu và cũng không thông qua biên bản họp có đóng dấu thì hoàn toàn không có giá trị. Ngày họ đóng dấu là ngày tôi đang giữ con dấu. Như vậy thì câu hỏi họ đã lấy con dấu đó ở đâu? ăn cắp hay làm gì?" - bà Becky khẳng định với phóng viên Lao Động.

Liên quan đến các ý kiến cho rằng ban điều hành của Nhóm Mua đã quá bạo chi, bà Becky cho biết: "Kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng phải bỏ vốn lúc đầu. Nhất là ngành nghề mua bán qua mạng, khi thành lập thì còn quá mới mẻ, nên chi phí marketing rất cao. Thật ra thì mọi việc chỉ vì họ (các nhà đầu tư - PV) muốn "vạch lá tìm sâu" và mục đích chính là 27,27% cổ phần của anh Tom thôi, vì ngày nay Nhóm Mua đã có thương hiệu lớn. "Vắt chanh bỏ vỏ'' là nguyên tắc của những nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh ở những nước nhỏ như Việt Nam. Và họ lại xâm chiếm công ty đã gần hai tuần, quá đủ để họ làm giấy tờ giả để đem hết bao nhiêu tội lỗi đổ lên đầu anh ấy".

Về chuyện lỗ lãi của Nhóm Mua, bà Becky cho biết thêm: "Trong hai năm vừa qua, anh Tom bị điều hành bởi nhà đầu tư nên không thể tự chủ. Vả lại, từ hồi tháng 4, họ đưa Kyle về làm Giám đốc tài chính thì anh này là một người phá của, lấy công tích luỹ cho tư, nên dĩ nhiên lỗ thì càng lỗ. Sau khi lòng tin của bên đối tác bắt đầu lệch lạc, anh Tom đã tự mình quản lý và điều hành. Trong hai tháng qua, doanh thu của Nhóm Mua đã tăng gấp đôi, chi phí cắt giảm hơn phân nửa".

Nguồn tin: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về NukeViet CMS

CMS là gì? CMS là từ viết tắt từ Content Management System. Theo wikipedia Định nghĩa. Hệ quản trị nội dung, cũng được gọi là hệ thống quản lý nội dung hay CMS (từ Content Management System của tiếng Anh) là phần mềm để tổ chức và tạo môi trường cộng tác thuận lợi nhằm mục đích xây dựng một hệ...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập190
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm189
  • Hôm nay23,171
  • Tháng hiện tại189,718
  • Tổng lượt truy cập94,338,382
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây