Phần mềm dùng chung đóng gói: Nhận rồi… đắp chiếu

Thứ năm - 27/10/2011 23:58

Phần mềm dùng chung đóng gói: Nhận rồi… đắp chiếu

Tiếp nhận phần mềm dùng chung (PMDC) nhưng không được bàn giao mã nguồn, nhiều cơ quan Nhà nước vẫn phải đầu tư phần mềm khác có nhiều điểm giống với PMDC.

Nhận rồi bỏ đấy

Chủ trương ban hành danh mục PMDC và cơ chế mua sắm PMDC được triển khai nhằm hạn chế tình trạng đầu tư trùng lặp gây lãng phí, đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai các phần mềm trên toàn quốc; hạn chế các bất cập về chuẩn trong việc kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu giữa nhiều đơn vị với nhau. Theo đó, sẽ có một CQNN đứng ra xây dựng phần mềm cho nhiều CQNN khác cùng sử dụng.

Đa số các CQNN đều ủng hộ chủ trương triển khai PMDC, song việc tiếp nhận và sử dụng các PMDC trên thực tế còn nhiều bất cập. Sau khi nhận bàn giao xong PMDC, quá trình sử dụng phát sinh nhiều điểm khác biệt so với yêu cầu thực tế, các CQNN muốn chỉnh sửa phần mềm cho phù hợp, nhưng không được cấp mã nguồn nên đành “bó tay”.

Điển hình như Phần mềm về quản lý cán bộ do Bộ Nội vụ xây dựng để các Bộ, ngành khác cùng dùng chung. Ông Phạm Kiến Thiết, Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Ngoại giao cho biết: “Bộ Ngoại giao có đặc thù là cán bộ ở nước ngoài có nhiều chức danh mà các Bộ, ngành khác không có, chẳng hạn như đại sứ, tham tán…, các cán bộ lại có mức lương khác nhau. Dù rất muốn phát triển thêm phần mềm để phù hợp với nhu cầu quản lý song phần mềm đã được Bộ Nội vụ mã hoá nên thôi đành chịu, Bộ Ngoại giao đành phải chuyển sang phát triển phần mềm riêng”.

Đồng quan điểm với ông Thiết, một lãnh đạo của Bộ Tư pháp cũng thừa nhận Bộ Tư pháp cũng không sử dụng được phần mềm quản lý cán bộ của Bộ Nội vụ, bởi các chức danh tư pháp có đặc thù, thêm khoảng 20 tiêu chí nữa đối với 1 nhân thân. Phần mềm quản lý cán bộ được bàn giao theo kiểu phần mềm thương mại (đóng gói rồi bàn giao) thì chịu chết, bắt buộc lại phải đầu tư phần mềm cho mình.

Với thực trạng nêu trên, PMDC chẳng những không tiết kiệm được chi phí đầu tư ngân sách mà còn tốn kém hơn. Trong khi các phần mềm phải tự xây dựng thêm có tới 80% nội dung tương tự với PMDC (các CQNN đều nằm trong một nền hành chính công quốc gia nên có nhiều bộ phận nghiệp vụ tương tự nhau), khác chăng chỉ là một số đặc thù về quản lý Nhà nước chuyên ngành của một số Bộ, ngành.

Giải pháp để khắc phục bất cập vừa nêu là cần có quy định phải “mở nguồn” khi bàn giao PMDC để các đơn vị tiếp nhận có thể tiếp cận nguồn rồi tuỳ biến, chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Con đường không trải hoa hồng

Xây dựng, quản lý các PMDC là một công việc đầy khó khăn. Thậm chí có ý kiến khẳng định đây là một nhiệm vụ “bất khả thi”, khó có thể ban hành một danh mục PMDC thống nhất cho tất cả các CQNN trên phạm vi cả nước khi các CQNN đều có những công việc đặc thù riêng, quy trình xử lý nghiệp vụ tại các CQNN lại rất đa dạng. Mặt khác, việc ban hành danh mục và cơ chế PMDC là vấn đề nhạy cảm, bởi có thể hạn chế sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo phản ánh từ nhiều sở TT&TT, hoạt động xây dựng PMDC đang vấp phải rất nhiều rào cản. Đơn cử như tại Sóc Trăng đang bị hạn chế trong khâu hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sử dụng. Tại Vĩnh Long thì khi triển khai cài đặt PMDC bị lệ thuộc vào hệ điều hành, không kết nối được với các phần mềm khác...

Theo khảo sát mới đây của Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT, PMDC hiện nay ở các tỉnh, thành phố chủ yếu mới được ứng dụng tại các đơn vị chuyên trách về CNTT, chưa triển khai nhân rộng cho toàn tỉnh, thành phố. Với các PMDC thuộc loại phần mềm văn phòng thì chưa thể thống kê cụ thể, chi tiết số lượng bản quyền đang được sử dụng.

Để chuẩn hoá và nâng cao hiệu quả của việc xây dựng, sử dụng các PMDC, Bộ TT&TT xác định cần sớm ban hành cơ chế phân cấp, phân trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý danh mục PMDC đối với từng Bộ, ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó mới có thể xây dựng cơ chế mua sắm thống nhất cho các PMDC.

Dự kiến trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ TT&TT hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục ban hành danh mục PMDC của các Bộ, ngành, địa phương; Nghiên cứu, đề xuất ban hành phương pháp phân loại PMDC và cơ chế quản lý các PMDC trong các CQNN.

Năm 2012 sẽ tổng hợp danh mục PMDC của các Bộ, ngành, địa phương (các Bộ, ngành sẽ ban hành văn bản về danh mục PMDC của Bộ, ngành), xây dựng và ban hành danh mục PMDC thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị định của Chính phủ ban hành cơ chế mua sắm PMDC trong các CQNN.

 

Một “dấu mốc” quan trọng của việc triển khai PMDC là ngày 14/9/2004, Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ có công văn số 311/CV-BĐH112 đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai 3 phần mềm dùng chung thuộc Đề án 112 gồm: Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội, Hệ quản lý công văn & hồ sơ công việc và Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành.

Ông Phùng Bảo Thạch, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ Khoa học Công nghệ

“Trước kia, Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường đã đề xuất Chính phủ triển khai dự án khuyến khích sử dụng Vietkey trong các CQNN. Dự án đã chi 1,8 tỷ đồng để mua và trang bị các đĩa cài Vietkey cho tất cả các CQNN. Nhưng thực tế lúc đó đa phần các CQNN lại cài Unicode, Unikey. Bài học rút ra khi triển khai PMDC là phải tính toán kỹ xem nhưng người dùng có “welcome” (vui mừng tiếp nhận sử dụng) hay không. Nên xây dựng các PMDC thực sự đáp ứng nhu cầu. Nếu không khả thi thì dù phát động rất rầm rộ nhưng cuối cùng vẫn mất tiền”.

Ngọc Mai

Nguồn tin: http://www.ictnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về NukeViet

Giới thiệu khái quát NukeViet là một ứng dụng trên nền web có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Phiên bản đang được phát hành theo giấy phép phần mềm tự do nguồn mở có tên gọi đầy đủ là NukeViet CMS gồm 2 phần chính là phần nhân (core) của hệ thống NukeViet và nhóm chức năng quản trị nội...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay15,791
  • Tháng hiện tại409,499
  • Tổng lượt truy cập94,756,152
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây