MangVN

https://mangvn.org


Khi ngoại giao, cần 'Facebook, YouTube, Twitter và Blog hóa'

Khi ngoại giao, cần 'Facebook, YouTube, Twitter và Blog hóa'
Sử dụng Facebook, YouTube, Twitter và các Blog trong việc làm ăn kinh doanh trực tuyến không còn là một hình thức quá mới mẻ, tuy nhiên thời gian gần đây các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chú ý đến hình thức này như một biện pháp quảng bá tên tuổi hiệu quả trên internet. Bài viết này của Vietnamnet sẽ cho ta thấy việc sử dụng Blog trong cả cong tác Ngoại giao của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Mô tả ảnh.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent chia sẻ về kinh nghiệm triển khai "ngoại giao số" của Anh. (Ảnh: Trọng Cầm).
Không quá đột phá về công nghệ nhưng rất tươi mới về ý tưởng, việc ứng dụng công nghệ số vào một lĩnh vực "chuẩn mực và chính thống" như ngoại giao đã cho thấy nhiều kết quả rất hứa hẹn, đồng thời được đánh giá là phù hợp với môi trường dân số trẻ tại Việt Nam.

Dù chỉ mới ra đời và phát triển mạnh được vài thập kỷ, song giờ đây, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người, và lĩnh vực ngoại giao cũng không phải là ngoại lệ.  Phát biểu khai mạc Hội thảo về "Ngoại giao Kỹ thuật số" vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khẳng định: ’Trong kỷ nguyên số, ngoại giao không còn là lĩnh vực riêng của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp nữa, mà ngoại giao nhân dân, hay ngoại giao công chúng đã trở thành những khái niệm ngày càng quen thuộc".  

Chính vì thế, việc ứng dụng CNTT, công nghệ số và đặc biệt là Internet vào lĩnh vực ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng ở hai phương diện: Internet không chỉ là kênh mới để phổ biến chủ trương, chính sách, quan điểm một cách hết sức hiệu quả, sâu rộng, mà nó còn là cầu nối để các vị lãnh đạo giao tiếp, lắng nghe tiếng nói từ phía người dân.

 

Đại diện cho một quốc gia đi đầu về việc ứng dụng công nghệ số vào ngoại giao và quảng bá hình ảnh ra thế giới, Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent đánh giá "Ngoại giao số" là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng và giá trị truyền thông. "Internet đảm bảo rằng thông điệp của bạn sẽ được lắng nghe. Không những vậy, nó còn tăng cường khả năng tương tác với người nghe, thu nhận phản hồi. Nói cách khác, bạn đang có trong tay rất nhiều công cụ mới để tiếp cận với công chúng".

 Blog để gần dân 

Ông Kent là một trong số hiếm hoi những vị đại sứ viết blog để kết nối với cộng đồng "blogger Việt Nam năng động". "Thường thì người VN nghĩ về một ông đại sứ rất đạo mạo, chính thống, nhưng ông ta còn là một con người. Nếu tôi toàn viết những thứ tuyên truyền thì mọi người sẽ không đọc nữa, sẽ thật tẻ nhạt. Ở Anh, blog là một phương tiện hữu dụng trong giao tiếp xã hội. Chúng tôi bắt đầu dùng nó nhiều hơn như một phương tiện để liên hệ trực tiếp với công dân. Ngày càng có nhiều bộ trưởng có blog riêng như Ngoại trưởng David Miliband....", ông  Kent chia sẻ. 

 Trực tiếp "đăng đàn" chia sẻ kinh nghiệm về "ngoại giao số" tại Anh là ông Stephen Hale, Trưởng ban Can dự trong Nhóm Ngoại giao Kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Anh (FCO), người chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện các hoạt động và chiến dịch công nghệ số, sử dụng trang web và các công cụ web để góp phần thực hiện mục tiêu đối ngoại.  

Theo ông Hale, Internet là một cơ hội rất lớn để những người làm ngoại giao đối thoại với người dân, thu thập thông tin về quan điểm của dư luận, nắm được công chúng đang quan tâm tới những vấn đề gì. Dù FCO mới triển khai "ngoại giao số" được chưa đầy 2 năm và kết quả thu được chưa nhiều, song những người thực hiện cũng đã tìm ra được 4 nguyên tắc "vàng" là Lắng nghe - Công bố - Tham gia - Đánh giá.

 Khá dễ thực hiện nhưng lại giữ vai trò quan trọng nhất chính là Lắng nghe. Thông qua việc thống kê lượng truy cập, tỷ lệ khách ghé thăm, những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, những câu hỏi được người dùng xếp hạng cao nhất trên mạng Yoosk.com..., nhóm của ông Hale sẽ phán đoán được tương đối chính xác những vấn đề đang "nóng" trong dư luận.  Yêu cầu lớn nhất đối với khâu thứ hai: công bố là phải đưa ra được những nội dung có chất lượng cao, nhiều thông tin và được thể hiện một cách sống động, từ ngôn ngữ cho đến các hình thức multimedia (video, audio, hình ảnh) đi kèm... Tuy vậy, chúng vẫn phải thể hiện được quan điểm và góc nhìn của Bộ.

 Điểm mới nhất chính là ở công đoạn "tham gia" bằng kỹ thuật số. Tính tới thời điểm này, có khoảng 30 quan chức Anh đang viết blog cá nhân. Các nhà lãnh đạo Anh cũng trực tiếp đối thoại và trả lời các câu hỏi "nóng" được người dân đặt ra trên Yoosk.com, hoặc thông qua các đoạn băng ghi hình được trình chiếu trên website của Bộ. Tất cả nhằm mục đích tạo ra một ý niệm về sự tương tác gần gũi giữa Chính phủ với công chúng. (Yoosk.com là một diễn đàn hỏi đáp trực tuyến cho phép người dùng xếp hạng các câu hỏi, đặt ra một bảng các câu hỏi và nhóm theo từng chủ đề. Các quan chức hữu trách sẽ trả lời 8 câu hỏi có thứ hạng cao nhất bằng video clip và đoạn băng này sẽ được đăng tải lại trên Yoosk, trên website của FCO. NV). 

Ngoại giao số... "sành điệu và thời thượng"

 

Mô tả ảnh.
Trang web của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam
Khá nhiều công cụ mới, "sành điệu và thời thượng" đã được FCO sử dụng cho mục tiêu "số hóa hoạt động ngoại giao công chúng" của mình. Lấy thí dụ như trong chiến dịch quảng bá cho Hội nghị cấp cao G20 vừa diễn ra tại London, bên cạnh một website chính thức của sự kiện làm nơi chia sẻ thông tin, cung cấp mọi tài liệu liên quan, FCO còn tiến hành quay video và tải lên trang web chia sẻ video số một thế giới YouTube, tổ chức một cuộc tranh luận trực tuyến với độc giả về khủng hoảng toàn cầu.

Họ thậm chí còn lập một tài khoản riêng trên dịch vụ tiểu blog Twitter để cập nhật tin nóng về sự kiện. "Kênh Twitter của FCO khá thành công vì nó cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, thẳng nhất, ngắn nhất tới công chúng. Hơn nữa hiện nay còn có nhiều ứng dụng cho phép truy cập Twitter ngay từ iPhone nên thông tin của chúng tôi càng trở nên gần gũi với người dùng hơn".

 Chính phủ Anh thậm chí đã ban hành cả một văn bản hướng dẫn dài 20 trang, với mục đích biến Twitter thành một công cụ truyền tải thông điệp của các cơ quan nhà nước một cách "thân tình" và "nhân bản". Theo đó, các thông tin phải được đăng tải theo một lối thể hiện nhẹ nhàng, tránh những từ ngữ cứng nhắc và phải khác biệt với giọng điệu báo chí. Các tin nhắn cũng cần được cập nhật thường xuyên 30 phút/lần. "Nên dành mỗi ngày một giờ và một ngày trong mỗi 3 tháng để đánh giá kết quả", bản hướng dẫn khuyến cáo.  Không hề tốn kém

Khi được hỏi về ngân sách hàng năm mà FCO phải chi cho hoạt động "ngoại giao số", ông Hale khẳng định trên thực tế, hầu hết các công nghệ Internet mà Bộ đang sử dụng như blog, YouTube, Twitter đều "không mất xu nào". Những dịch vụ như Flickr cũng chỉ đòi hỏi chưa đến 20 USD để mua tài khoản cao cấp, chi phí vận hành, bảo trì máy chủ cũng không quá tốn kém.

Trên thực tế, ngoại giao số chỉ đòi hỏi những người tham gia phải đầu tư thời gian. "Cả quan chức lẫn người dân đều cần tham gia một cách đúng nghĩa, nhiệt tình để kết quả đạt được là thực chất", ông Hale cho biết.

 Ông Mark Kent nhận xét Việt Nam có một dân số trẻ, sành công nghệ (theo số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 21 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet - đông thứ 14 trên thế giới). Đây chính là một lợi thế thuận lợi để ứng dụng các công nghệ mới vào ngoại giao số. Hơn thế nữa, do đòi hỏi về đầu tư kinh phí không cao nên "ngoại giao số" cũng thích hợp với điều kiện kinh tế tại các nước đang phát triển như Việt Nam.  

"Chỉ có ứng dụng công nghệ số một cách tích cực và thực chất thì các nhà ngoại giao mới không bị bỏ lại đằng sau trong kỷ nguyên số hiện nay", ông Kent kết luận. "Mọi thứ đang thay đổi, và nếu chúng ta không tham gia vào cuộc chạy đua đó, bắt kịp cuộc đua đó, chúng ta sẽ không thể trở thành một nhân chứng của cuộc đua".

Nguồn tin: Vietnamnet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây