MangVN

https://mangvn.org


FPT muốn Viettel trả hộ EVN Telecom 708 tỷ đồng

FPT muốn Viettel trả hộ EVN Telecom 708 tỷ đồng
Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh bày tỏ hy vọng Viettel sẽ gánh vác các khoản nợ của EVN Telecom để FPT có thể sớm thu hồi 708 tỷ đồng đặt cọc.

“Tính đến nay, thương vụ EVN đã kéo dài 1 năm và vẫn đang là bài toán làm nhức đầu Ban Lãnh đạo FPT. Hy vọng Chính phủ sẽ có quyết sách mạnh mẽ để hỗ trợ EVN Telecom có tương lai phát triển mới”, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT chia sẻ tại buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2011 của FPT vừa diễn ra mới đây.

Cũng theo ông Trương Đình Anh, “tuần qua, nhiều phương tiện truyền thông đề cập tới khả năng sẽ giao EVN Telecom cho Viettel quản lý. Hy vọng việc này sớm xảy ra. Tin rằng trong thời gian ngắn sắp tới, FPT sẽ thu hồi được khoản tiền đặt cọc 708 tỷ đồng và kết thúc thương vụ một cách êm đẹp trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho các bên”.

Trước câu hỏi liệu FPT sẽ kiên quyết thu hồi lại khoản 708 tỷ đồng bằng tiền mặt hay sẽ có thể chấp nhận một hình thức hợp tác khác, ông Trương Đình Anh chỉ nói: “Nhà nước sẽ không cổ phần hóa EVN Telecom mà chuyển giao như một gói EVN Telecom trọn gói gồm hạ tầng và các khoản nợ đang có cho một đơn vị thứ 3 có đủ khả năng vận hành hạ tầng và gánh vác khoản nợ đó. Hy vọng Viettel sẽ đứng ra “gánh vác”. Đây là giải pháp phù hợp cho EVN trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông”.

Điểm lại thương vụ mua bán dẫn tới khoản nợ lên tới 708 tỷ đồng nêu trên, tháng 10/2010, cộng đồng CNTT-TT Việt Nam xôn xao đón nhận thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thỏa thuận bán cho Tập đoàn FPT 60% cổ phần của Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) nhằm cải tổ toàn diện năng lực của EVN Telecom.

Để chứng minh năng lực tài chính cũng như quyết tâm đầu tư cho thương vụ lớn nhất trong ngành viễn thông di động Việt Nam, FPT đã nhanh chóng rút hầu bao đặt cọc 708 tỷ đồng, tương đương 12% cổ phần của EVN Telecom.

Đến ngày 15/4/2011, FPT tuyên bố rút lui khỏi thương vụ. Lý do chính được đưa ra là theo quy định của Chính phủ và luật pháp hiện hành thì EVN chỉ được phép bán tối đa 49% cổ phần của EVN Telecom, đồng nghĩa thỏa thuận EVN bán cho FPT 60% tổng cổ phần là không phù hợp. Nếu không có được 60% cổ phần thì FPT khó có thể nắm quyền định đoạt số phận của EVN Telecom, cũng như khó có thể hiện thực hóa mục tiêu cấu trúc lại toàn diện EVN Telecom rồi sáp nhập với FPT Telecom để trở thành một doanh nghiệp kinh doanh cả viễn thông di động và cố định nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường viễn thông.

Cùng thời gian này, EVN Telecom có dấu hiệu “sập mạng” bởi kinh doanh không hiệu quả. Các lãnh đạo của EVN đã tính tới phương án sáp nhập EVN Telecom vào một “nhà mạng” khác. Nhiều người lo lắng khoản tiền đặt cọc 708 tỷ đồng của FPT sẽ bị “chìm xuồng”, nhất là khi ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng công bố quan điểm “nếu một trong hai phía phá bỏ hợp đồng thì sẽ phải đền bù bằng số tiền đặt cọc đang nằm trong ngân hàng”.

Bản thân lãnh đạo FPT cũng không thể biết chắc đến khi nào mới lấy lại được khoản đầu tư mạo hiểm này. 

Nguồn tin của ICTnews cho hay sau thương vụ của FPT, VTC cũng đã đặt cọc để mua 30% cổ phần của EVN Telecom, nhưng sau đó lại rút lui.

Tác giả: Xuân Bách 

Nguồn tin: http://www.ictnews.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây