MangVN

https://mangvn.org


Lục địa đen quyết đuổi kịp thế giới băng rộng

Lục địa đen quyết đuổi kịp thế giới băng rộng
Trong khi thế giới đang tiến lên kỷ nguyên mới của công nghệ băng rộng với kết nối siêu tốc thì những người dân châu Phi vẫn đang phải chung sống với kết nối rùa bò và giá cước cao ngất

Khoảng cách quá xa

Theo các nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Internet châu Phi (AfriNIC), khoảng cách số giữa châu Phi và phần còn lại của thế giới vẫn đang ở mức… xa vời vợi. Báo cáo của tổ chức này cho biết, tỷ lệ thâm nhập Internet của châu lục này mới chỉ tăng từ mức 4% của năm 2000 lên mức khoảng 10,5% vào năm 2010 - kém rất xa so với mức trung bình hơn 30% của toàn thế giới và khoảng cách sẽ còn lớn hơn rất nhiều nữa nếu so sánh với một số quốc gia đang phát triển của châu Á hay châu Mỹ La tinh.

Mặc dù thế giới đã bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 nhưng Internet vẫn là thứ vô cùng xa xỉ đối với hầu hết người dân châu Phi. Họ phải sử dụng những đường truyền tốc độ thấp nhất thế giới với một mức chi phí khoảng 250 - 300 USD/tháng – mức cước đắt đỏ nhất thế giới. Với một châu lục mà sự nghèo đói vẫn còn bao trùm thì đây có thể coi là lý do chính của việc vẫn còn tồn tại những quốc gia “trắng về Internet”. Thậm chí, ở cả những quốc gia được cho là có nền kinh tế khá “phong lưu” nhờ nguồn dầu mỏ như Nigeria thì Internet vẫn là một khái niệm chưa mấy quen thuộc. Nghiên cứu, khảo sát của hãng Microsoft cho biết, ngay cả ở Uganda – quốc gia thuộc nhóm đi đầu về công nghệ và độ phổ cập Internet ở châu Phi thì cũng mới chỉ có khoảng 0,5% người dân nước này thường xuyên sử dụng email, còn việc nghe nhạc trực tuyến hay xem video trên YouTube vẫn chỉ là giấc mơ.

Trong những năm gần đây, khi những đường cáp quang xuyên biển đã vươn tới châu Phi mang đến cho lục địa này một niềm hy vọng mới cùng với đó là “cuộc cách mạng di động” bắt đầu bùng nổ thì người ta vẫn chưa thể quên một thực tế rằng Internet vẫn được coi là “phép màu” hiếm khi hiện diện với những người dân ở đây. Số liệu nghiên cứu của hãng Internet và tìm kiếm Google cho biết, hiện tại châu Phi mới có tỷ lệ 1 tên miền trên mỗi 10.000 người dùng Internet.

Tốc độ đường truyền thấp chính là sự cản trở lớn nhất đối với người dùng và cả các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Internet như thương mại điện tử, e-learning… Google cho biết, cho đến tận giữa năm 2011, rất nhiều công ty web của châu Phi vẫn phải quảng cáo cho dịch vụ của mình bằng các hình thức truyền thống như quảng cáo pano (tấm lớn) ngoài trời, quảng cáo trên xe buýt hay thậm chí là “in, vẽ bậy” lên tường.

Sẽ được thu hẹp?

Việc hoàn thiện dự án EASSY (hệ thống cáp quang ngầm xuyên biển Đông Phi) với tổng chiều dài 9.900 km hay dự án SAT – 3 ở khu vực Tây Phi… đã trở thành niềm hy vọng mới của lục địa đen bởi điều này đồng nghĩa với kết nối tốc độ cao và giá rẻ sẽ trở nên hiện thực hơn rất nhiều.

Sự xuất hiện của Internet tốc độ cao ngay lập tức trở thành ngòi nổ cho một loạt các dịch vụ khác mà thể hiện rõ nét nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mua sắm trực tuyến là biểu hiện rõ ràng nhất. Ở Nam Phi, 51% những người truy cập Internet đều có hoạt động mua sắm online, theo cuộc khảo sát trên toàn thế giới của MasterCard vào năm 2011. Ở Kenya, cuộc khảo sát gần đây của tổ chức TNS Research International và Kenya ICT Board cho thấy 18% - 24% dân số truy cập Internet để mua nhạc, phim và sách điện tử.

Ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, tỉ lệ thâm nhập Internet là 28%, theo số liệu của ITU, được tăng mạnh nhờ sự phát triển nhanh chóng của viễn thông. Trong những năm gần đây, số lượng thuê bao điện thoại đã tăng vọt từ 30.000 vào năm 2000 lên 87 triệu vào năm 2010. Tuy nhiên, văn hóa mua sắm online vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.

Loy Okezie, nhà sáng lập của trang thông tin công nghệ Techloy.com, cho hay: “Việc sử dụng Internet đang tăng rất mạnh ở Nigeria gần như chắc chắn thị trường mua sắm online sẽ bùng nổ trong 5 năm tới”. Đây là tiềm năng lớn đã thúc đẩy sự xuất hiện của các nhà phát triển Internet ở đất nước này, cố gắng tạo ra cơ hội kiếm tiền online.

Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết, chỉ trong vòng 10 năm qua, các nhà đầu tư đã rót khoảng 25 tỷ USD vào lĩnh vực viễn thông ở châu Phi nhưng cơ hội đầu tư vẫn còn rất nhiều. Khoảng cuối tháng này, một hội nghị lớn mang chủ đề “Africa Connect” (Kết nối châu Phi) nhằm tìm kiếm “giải pháp thực sự” chứ không phải là những khoản “viện trợ từ thiện” để thúc đẩy sự phát triển Internet băng rộng ở châu Phi.

Các nhà lãnh đạo châu Phi hạ quyết tâm đuổi kịp thế giới ít nhất là trong lĩnh vực băng rộng.

Trần Du Phong

Theo TNW, Economist, CSM

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 128 ra ngày 26/10/2011.

Nguồn tin: http://www.ictnews.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây