Trung thu ngày dông bão

Thứ tư - 28/09/2011 13:09

Trung thu ngày dông bão

Trung thu của những ngày khốn khó là thèm thuồng nhìn lũ bạn tung tăng cầm chiếc đèn ông sao đi rước quanh làng, là ánh mắt ghen tỵ khi bạn được ăn bánh nướng. Trung thu của những đứa trẻ nghèo luôn trôi qua buồn tủi như thế.

 
 Chiếc đèn ông sao - niềm vui của trẻ em nghèo trong lễ trung thu (Ảnh Internet)

Mấy ngày nay xứ Nghệ mưa. Mưa suốt ngày, mưa như thể bao nhiêu nước trên trời đều trút hết xuống dải đất miền Trung này. Mùa bão lại về. Đêm, thỉnh thoảng cơn mưa dai dẳng cũng chịu dừng. Quãng thời gian hiếm hoi ấy, mặt trăng cũng kịp ló ra qua màn mây dày đặc. Sắp đến trung thu nên trăng cũng gần tròn.

Trên truyền hình, cô gái dự báo thời tiết thông báo rằng sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to kéo dài. Nghĩa là trung thu năm nay trẻ con không được đi trông trăng phá cỗ. Tự nhiên lại nhớ về trung thu cách đây 15 năm.

Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm. Nghèo đến nỗi một chiếc đèn ông sao giá 2.000 đồng nhưng cha mẹ tôi chẳng thể nào mua nổi cho các con. Nhìn những đứa hàng xóm khoe đèn trung thu xanh đỏ, 3 chị em tôi thèm lắm nhưng chẳng đứa nào dám đòi bởi biết nhà mình nghèo đến cỡ nào.

Chị tôi đọc được ở đâu đó rằng lấy hạt bưởi phơi khô xâu thành chuỗi làm đèn trung thu. Thế là 3 chị em lùng sục khắp xóm xin hạt bưởi rồi về lấy kim chỉ xâu lại thành từng chùm với hy vọng mình sẽ có chiếc đèn trung thu thật “độc”. Phơi hai ngày rồi đưa ra đốt thử, cái “đèn” hạt bưởi chỉ cháy lóe lên một chút rồi tắt ngúm. Mấy chị em chẳng đủ kiên nhẫn để tìm hiểu vì sao nó không thể cháy nên bỏ luôn mấy chùm hạt bưởi.

Bây giờ nghĩ lại nếu hồi đó phơi hạt bưởi khô thêm một chút nữa và thay sợ chỉ bằng những chiếc lạt tre để dẫn lửa thì chị em tôi đã có những “chiếc đèn trung thu” của riêng mình. Chiếc đèn không những cháy được với những tia lửa màu xanh phát ra mà còn biết tỏa mùi thơm thơm của tinh dầu bưởi (sau này lớn lên, thử làm lại tôi mới biết điều đó).
 
Nhưng đèn ông sao cũng ngày càng hiếm hoi khi những đồ chơi hiện đại từ Trung Quốc lấn át

Thấy khuôn mặt thất vọng của 3 chị em, cha tôi lẳng lặng ra vườn kiếm một thanh tre cật rồi tỷ mẫn ngồi vót thành từng chiếc nan. Cha định sẽ làm cho mấy chị em đèn ông sao. Bộ khung đã xong nhưng lại không có giấy bóng kính màu để dán vào, cha lấy mấy tờ giấy thủ công thay thế. Mỗi tội giấy dày quá, đốt nến lên thì chẳng thấy ánh sáng lọt ra ngoài.

Cũng chẳng sao, miễn là có đèn ông sao để đi phá cỗ! Thằng em tôi mừng quá, vồ ngay lấy cây đèn, không may làm cây nến bị nghiêng thế là cả cây đèn bắt lửa cháy rụi. Cha tôi vốn bị bệnh sa lách, ngồi lâu một tý là đau không chịu nổi. Nhìn khuôn mặt tiu nghỉu tràn nước mắt của thằng em, ông buồn lắm nhưng đau quá ông đành bỏ ra vườn ngồi.

Mai là trung thu rồi, lại không có đèn để đi với chúng bạn. 3 chị em ngồi buồn xo. Dượng tôi (ở quê tôi chồng của chị, em gái của cha được gọi bằng dượng) xách 3 chiếc đèn ông sao đến. “Cho mỗi đứa một cái!” - dượng bảo thế.

Khỏi phải nói chị em tôi vui đến cỡ nào. 3 cái đèn ông sao giống nhau như đúc nhưng 3 chị em vẫn chành chọe giành đèn mình đẹp hơn. Ngắm chán chê, cả 3 chị em treo đèn lên mấy chiếc đinh để mai đi rước vì sợ hỏng.

Chưa kịp vui thì một trận mưa lớn kéo về. Mưa suốt cả chiều đến tối. Cha mẹ ngồi thở dài lo cho mấy sào ruộng sắp gặt bị ngâm nước. Còn 3 chị em tôi lại lo trời mưa không được đi rước đèn.

Nỗi lo lắng mơ hồ trẻ con ấy cũng trở thành sự thật khi đài báo bão. Mưa suốt ngày chẳng có dấu hiệu ráo. Đêm trung thu không có trăng, chỉ có mưa và gió vần vũ trên mái nhà. Mất điện. Gió kéo những cây tre vặn vẹo, ngôi nhà cũng đung đưa theo từng cơn gió. Mấy chị em ngồi co ro ngắm 3 chiếc đèn ông sao treo trên đỉnh màn. Chẳng còn nến để thắp nữa khi 3 cây nến con con bị trưng dụng thắp sáng để ăn cơm lúc tối. Đêm trung thu lần đầu tiên chị em tôi có đèn ông sao trôi qua như thế.

Sáng hôm sau, bão tan, nắng lại về. Thằng em tôi hớn hở ra mặt vì nghĩ rằng tối sẽ được đi trông trăng rước đèn phá cỗ. Nhưng niềm vui đó chẳng bao giờ diễn ra bởi người ra không rước đèn sau ngày trung thu. 3 chiếc đèn đó vẫn được chị em tôi treo trang trọng trên tường nhà cho đến khi lớp kính màu bạc phếch.
 
Hồi đó đèn ông sao đã là thứ đồ chơi xa xỉ với chị em tôi, nói gì đến những chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm phức. Cha mẹ tôi chẳng thể bán đi mấy yến lúa để mua cho con chiếc bánh trung thu. Miếng bánh trung thu đầu tiên của chị em tôi là ăn ké của bạn. Mỗi chị em tôi chỉ được cắn một miếng bánh bé xíu thôi nhưng đứa nào cũng cố ngậm thật lâu trong miệng để cảm nhận vị ngọt của nó. Vị ngọt ấy theo tôi cho đến tận bây giờ. Giờ không phải là không có tiền để mua bánh trung thu để ăn nhưng tôi cũng ít mua bởi hương vị của những chiếc bánh bây giờ không còn như ngày xưa nữa.

Năm nay trung thu cũng mưa. Cha vẫn thở dài não ruột khi mấy sào lúa đang kỳ làm hạt đứng trước nguy cơ mất trắng. Chị em tôi chẳng còn bé để háo hức với trung thu như ngày xưa. Mấy đứa cháu hớn hở cầm đèn lồng, súng phun nước (toàn hàng Trung Quốc) chạy le te khắp nhà. Những chiếc đèn sặc sỡ sáng nháp nhóa và kêu inh ỏi bởi những bản nhạc nước ngoài. Giờ trẻ con chẳng đứa nào muốn chơi đèn ông sao nữa…

Trung thu, tôi cũng mua một chiếc trống ếch cho một người đặc biệt dẫu biết rằng người ấy chẳng bao giờ dùng được nữa. Chẳng sao cả, dù sao lòng tôi cũng cảm thấy ấm áp hơn một chút trong ngày trung thu mùa dông bão này.
 
Quang Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn

 Tags: thu, bão, ngày, trung, dông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Giới thiệu về Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam

Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES.,JSC) là công ty mã nguồn mở đầu tiên của Việt Nam sở hữu riêng một mã nguồn mở nổi tiếng và đang được sử dụng ở hàng ngàn website lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực. Wbsite đang hoạt động chính thức: http://vinades.vn/ Ra đời từ hoạt động của tổ chức...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập675
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm665
  • Hôm nay21,774
  • Tháng hiện tại453,868
  • Tổng lượt truy cập100,135,943
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây