“Gieo chữ” ở nơi không điện, không sóng

Thứ năm - 02/05/2013 01:49
Sống ở nơi không điện, sóng, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, hàng ngày hai thầy giáo trẻ ở điểm trường làng Đắk Bối, Trường tiểu học Mường Hoong (huyện Đắk Glei, Gia Lai) vẫn miệt mài dạy từng con chữ, uốn từng nét bút cho học sinh dân tộc thiểu số người Xê Đăng.

Nằm cách trung tâm huyện Đắk Glei gần 60km, đường vào điểm trường là con đường mòn nhỏ, không có cách nào khác ngoài… đi bộ, người khỏe đi quen đường thì mất khoảng hơn một giờ rưỡi, người chậm thì hơn 2 giờ. Qua mỗi đoạn dốc trơn trượt phải bám vào từng bụi cỏ cho khỏi ngã. Có đoạn dốc dựng đứng dài cả trăm mét, leo được lên tới đỉnh dốc thì “miệng, mũi thi nhau thở”. 

Con đường mòn đầy đá chông chênh dẫn tới điểm trường Đắk Bối
Con đường mòn đầy đá chông chênh dẫn tới điểm trường Đắk Bối.

Điểm trường là hai căn phòng, một bằng gỗ, một bằng tôn nằm chênh vênh bên sườn một ngọn núi. Tại đây có hai lớp ghép; lớp 1 - 2 do thầy Lê Quốc Anh (SN 1986) giảng dạy, lớp 3 - 4 do thầy Hoàng Văn Trị  (SN 1989) giảng dạy.

Hàng ngày, hai thầy mỗi người dạy, chăm lo cho mỗi lớp khác nhau, nhưng tối tối cả hai cùng đốt đuốc, rọi pin tới nhà từng em học sinh một để vận động phụ huynh cho con em đi học, nếu không “các em lại theo cha mẹ đi rẫy hết”.

Thêm vào đó, nhiều học sinh ở đây dù đã lên lớp tới lớp 3 mà vẫn chưa biết đọc, biết viết, chưa nói thành thạo tiếng phổ thông, các thầy lại phải soạn giáo án sao cho phù hợp để các em dễ tiếp thu nhất. Mỗi giờ lên lớp, hai thầy cùng rèn từng nét chữ, hướng dẫn từng bài toán cho các em. Biết nhiều học sinh không thể nói thành thạo tiếng Kinh, gây hạn chế cho việc tiếp thu kiến thức của các em. Các thầy chủ động học tiếng địa phương để thực hiện dạy song ngữ.

Thầy Hoàng Văn Trị, nhận công tác tại điểm trường Đắk Bối này đã được gần 2 năm. Khi được phân công về điểm trường này công tác, cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa rừng núi, ban đầu, khi mới sống giữa những người đồng bào người Xê Đăng làm thầy không khỏi chán nản. Thầy Trị tâm sự: “Khi hai anh em (cùng thầy Quốc Anh) cùng nhau lên được tới đây thì anh Quốc Anh bị ốm, hàng ngày cứ đi ra đi vào chẳng biết nói chuyện cùng ai, có điện thoại cũng không dùng được nên chỉ muốn bỏ việc”.

Vượt qua được sự nản lòng, dần thích nghi được với cuộc sống mới, đặc biệt được sự quan tâm của bà con đồng bào ở đây, thầy Trị đã dần cảm thấy thân quen, lấy việc dạy học cho học sinh làm niềm vui, làm động lực.

Thầy Hoàng Văn Trị uốn từng nét chữ, chỉ từng con số cho các em học sinh
Thầy Hoàng Văn Trị uốn từng nét chữ, chỉ từng con số cho các em học sinh

Cũng giống như thầy Trị, thầy Quốc Anh sau khi được phân công giảng dạy ở điểm trường này, thầy đã bỏ lại sau lưng tình yêu đôi lứa để đến vùng cao dạy chữ cho những học sinh. Như những cặp đôi yêu nhau khác, xa nhau vẫn có thể nói chuyện nhờ chiếc máy điện thoại. Nhưng ở cái nơi “thâm sâu cùng cốc” này còn chưa có cả điện lưới này thì nói gì tới sóng điện thoại.

Vì không có sóng điện thoại nên hàng ngày, nhà trường muốn liên lạc, trao đổi công việc với hai thầy chỉ có hai cách, một là chờ ngoài đầu đường xem có ai đi lên thì gửi lời nhắn, hai là nhắn tin vào điện thoại để 2 - 3 ngày các thầy lại đi bộ cả tiếng ra nơi có sóng để nhận.

Theo quy định của trường, mỗi tuần hai thầy dạy 5 buổi sáng và một buổi chiều phụ đạo. Nhưng vì học sinh học lực yếu mà ý thức tự học ở nhà thì không có và không có việc gì làm để “giết thời gian” nên hai thầy tổ chức dạy cả ngày. Thầy Quốc Anh cho biết, khi mới lên thấy học sinh kiến thức còn yếu, nhiều em học lớp 3 mà vẫn chưa biết đọc nên các buổi chiều rảnh rỗi thường dạy phụ đạo thêm cho các em, sao cho các em theo kịp chương trình.

Thầy Lê Quốc Anh tranh thủ làm đồ dùng học tập để giúp cho các em học sinh dễ tiếp thu hơn
Thầy Lê Quốc Anh tranh thủ làm đồ dùng học tập để giúp cho các em học sinh dễ tiếp thu hơn.

Biết bao công sức, tâm huyết của hai người thầy giáo trẻ bỏ ra, để rồi giờ đây những học sinh của hai thầy đã biết đọc, biết viết. “Đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng em khi chứng kiến sự thay đổi đó, có cảm giác như mình đã góp được một phần nhỏ giúp đỡ cho những đứa trẻ nơi đây” - thầy Trị nghẹn ngào chia sẻ.

Trẻ em ở Đắk Bối ít được tiếp xúc với bên ngoài, điều kiện sống ở đây còn rất nhiều khó khăn
Trẻ em ở Đắk Bối ít được tiếp xúc với bên ngoài, điều kiện sống ở đây còn rất nhiều khó khăn.

Thầy Phạm Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Hoong cho biết: “Dù phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng thầy Anh, Trị đã rất cố gắng trong việc giảng dạy. Từ khi hai thầy về công tác, trình độ học tập của học sinh điểm Đắk Bối đã cải thiện rõ rệt”.

Hai người thầy giáo, một tấm lòng vì những đứa trẻ người Xê Đăng, “Chỉ có tình người, sự tận tâm, tận tụy của người giáo viên mới có thể mang cái chữ, giúp cho trẻ em quanh năm ở ngôi làng này có thể hòa nhập được với xã hội. Khi các em học được con chữ, làm được bài toán là mình cảm thấy hạnh phúc và có động lực để tiếp tục dạy chữ cho các em” - thầy giáo trẻ Hoàng Văn Trị chia sẻ lý do gắn bó với bản làng Đắk Bối.

Hoàng Thanh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ủng hộ, hỗ trợ và tham gia phát triển NukeViet

1. Ủng hộ bằng tiền mặt vào Quỹ tài trợ NukeViet Qua tài khoản Paypal: Chuyển khoản ngân hàng trực tiếp: Người đứng tên tài khoản: NGUYEN THE HUNG Số tài khoản: 0031000792053 Loại tài khoản: VND (Việt Nam Đồng) Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm104
  • Hôm nay9,547
  • Tháng hiện tại564,421
  • Tổng lượt truy cập99,514,596
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây