Cha mẹ làm vệ sĩ cho con

Thứ năm - 02/05/2013 05:04
Trẻ cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ hơn là sự bảo bọc của cha mẹ và nhà trường.

Thời gian qua, tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra các vụ việc liên quan đến bắt cóc, dụ dỗ các em học sinh (HS) tiểu học để tống tiền hoặc cướp tài sản khiến nhà trường và phụ huynh không khỏi lo ngại. Từ những sự việc này, các trường học chú tâm hơn việc ra vào và giờ tan học của HS. Nhiều phụ huynh cũng thấp thỏm lo an toàn cho con em, thậm chí như “đi học” cùng với con.

Con đến trường, cha mẹ thấp thỏm lo

Chuông trường báo giờ ra chơi giữa buổi học sáng, một vài em HS của Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3) chạy ùa ra cổng trường, đón mẹ. Một phụ huynh đưa khăn cho con lau mặt, người khác vừa hỏi han vừa bóc bịch sữa đưa cho con uống vội. Không ai để ý đến lời nhắc nhở của bác bảo vệ. Đến khi bác bảo vệ lớn tiếng, mấy em HS mới rời vòng tay mẹ chạy vào sân trường vui chơi cùng các bạn.

Chị QT, một phụ huynh trong số đó, kể cách đây khoảng một năm, chị nghe nói có hai HS nữ của trường đã bị một người đàn ông lạ mặt thôi miên dắt đi lòng vòng rồi thả hai em ở một nơi rất lạ. Nhờ người đi đường hỏi han, hai em mới được đưa về trường. Từ đó, chị T. lúc nào cũng lo lắng cho con, ngày đến trường thăm con đến… bốn lần mới yên tâm!

Cha mẹ làm vệ sĩ cho con
Giờ tan học tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Tân Phú, TPHCM). Các HS biết cách ngồi yên một chỗ ở sảnh chờ xem phim hoạt hình để đợi phụ huynh đến đón. (Ảnh: Phạm Anh)

 

Vừa nghe tiếng cãi nhau lớn tiếng trong trường, chị Đặng Thinh (phụ huynh có con học lớp 4 tại một trường tiểu học trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh) đang ngồi ở quán nước lề đường giáp trường học liền chạy đến đẩy cửa phụ định vào trong xem sao. Bảo vệ trường phải chạy ra ngăn lại và giải thích rằng tiếng cãi nhau đó là của… một gia đình cạnh trường. Nghe vậy, chị này mới quay trở ra khiến không ít người đang ngồi bên quán nước phải bật cười.

Theo chị Thinh, con trai chị rất ham chơi nên hay bị mấy thanh niên trong xóm rủ đi chơi game. Vì vậy, mỗi tuần, có hai bữa chị phải đưa con đi học rồi chờ đón con về luôn, ba bữa còn lại cô giáo sẽ đón về nhà cô để học thêm vào buổi chiều để chiều tối chồng chị đến đón bé về.

Siết chặt việc ra vào trường của HS

Tại Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), tất cả HS khi tan học đều không được ra khỏi trường. Các em ngồi quanh hành lang theo từng lớp chờ ba mẹ đến đón. Giáo viên, bảo mẫu cũng ngồi cùng HS để nhắc nhở và quan sát việc phụ huynh đến đón sao cho đảm bảo trật tự và an toàn. Đến giờ mở cổng, phụ huynh từng hàng một vào trong sân gửi xe rồi đến các lớp đón con. Lúc trở ra, phụ huynh sẽ đi theo lối ngược lại, tránh lộn xộn. Như thế, nhà trường, bảo vệ sẽ kiểm soát được việc đưa đón HS của phụ huynh, đề phòng người lạ vào trường với mục đích khác.

Không chỉ đến khi tan trường, ngay trong giờ học, Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp) cũng chú trọng việc quản lý HS hơn. Bà Tôn Nữ Phương Thắm, Phó Hiệu trưởng, cho hay trong giờ học, giáo viên điểm danh, em nào vắng sẽ thông báo cho gia đình ngay. Em nào muốn ra ngoài cổng trường phải có giấy đồng ý của nhà trường. Đến giờ tan học, lớp nào tan mới xuống sân xếp hàng, bảo vệ thông báo cho phụ huynh ai có con học lớp đó thì vào trong đón. Giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ sẽ quan sát HS ra vào, nếu thấy vấn đề gì sẽ nhắc nhở ngay. Với những em ở gần trường, thường tự đi về, giáo viên phải nắm rõ danh sách. “Nhà trường chỉ cố gắng đảm bảo an toàn cho các em khi ở trường, còn ra ngoài rồi là rất khó. Ngoài giờ học, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, tổ chức các buổi sinh hoạt kỹ năng như giao thông an toàn, ứng xử với người lạ… để các em biết cách bảo vệ mình” - bà Thắm nói.

Cần trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ

 

 

Với con trẻ, rủi ro không chỉ xảy ra ở cổng trường học, ngay cả trường học, nơi công cộng… cũng rất khó đảm bảo an toàn. Cha mẹ theo sát con, bảo bọc con cũng không thể làm như thế cả đời với con mà còn khiến trẻ luôn bị động, lệ thuộc người lớn.

 

 

Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian chỉ dạy cho con những kỹ năng cần thiết để con tự bảo vệ hoặc biết nhờ người khác giúp đỡ ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Cha mẹ phải thỏa thuận với con giờ giấc đi đâu, làm gì, giờ đưa đón để con có niềm tin; chỉ cho con biết những nơi không nên đến hoặc nguy hiểm để tạo phản xạ cho con tránh xa khi vô tình hoặc bị người khác đưa đến đó; dạy con biết đề phòng và không nên nhận quà cáp từ người lạ; nếu cha mẹ phải nhờ người khác đón hoặc đến trễ thì báo cho giáo viên và con mình biết trước; khi để con ở nhà, dặn con phải khóa cửa không tiếp người lạ. Đi đến những nơi công cộng một mình, con nên đứng ở gần các chú bảo vệ… Có như vậy, con trẻ sẽ bớt đi sợ hãi và phụ huynh cũng yên tâm hơn khi không ở bên cạnh con.” - Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chuyên gia nghiên cứu xã hội học, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ tại TP.HCM

 

 

 
Theo Phạm Anh
Pháp luật TPHCM

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giấy phép sử dụng NukeViet

Bản dịch tiếng Việt của Giấy phép Công cộng GNU Người dịch&nbsp;Đặng Minh Tuấn <dangtuan@vietkey.net> Đây là bản dịch tiếng Việt không chính thức của Giấy phép Công cộng GNU. Bản dịch này không phải do Tổ chức Phần mềm Tự do ấn hành, và nó không quy định về mặt pháp lý các điều khoản cho các...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay10,589
  • Tháng hiện tại565,463
  • Tổng lượt truy cập99,515,638
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây