Gian bếp cũ

Thứ tư - 12/10/2011 03:48
Tôi để gian bếp này nguội lạnh từ lâu, nhìn mớ củi ướt nằm chỏng chơ nơi chái bếp, mưa dột, đất ẩm khiến gian bếp mốc meo, ẩm ì mà thấy lòng mình tệ bạc...
Gian bếp cũ

Trở về.

Dọn dẹp chút bụi vương trên gian bếp. Lâu lắm rồi chẳng ai thèm ngó ngàng đến giàn củi khô phía trên cà ràng. Nơi mà ngày xưa tôi hay gom mớ củi vừa khô tới chất đầy trên đấy rồi tận dụng hơi nóng dưới bếp tỏa lên cho củi thật khô. Tôi rút nhúm lá dừa gập đôi, vò nát đằng đầu rồi nhét tờ lịch cũ vô quẹt diêm đốt. Lá dừa khô bắt lửa nhanh, khựi nhúm tro giữa ông táo cho thành lỗ trũng rồi chất củi vào nhóm lửa.

Tôi để gian bếp này nguội lạnh từ lâu, nhìn mớ củi ướt nằm chỏng chơ nơi chái bếp, mưa dột, đất ẩm khiến gian bếp mốc meo, ẩm ì mà thấy lòng mình tệ bạc. Hồi nhỏ, chính tay tôi đã biết cột từng nuột lạc vào lá chầm, lợp lên phần chái bếp này để mỗi bận giỗ chạp có một không gian dành cho các bà, các chị nấu nướng. Bếp lợp xong lập tức có ngay hai, ba cái cái cà ràng đặt vào ngay ngắn. Phía dưới lót ba miếng gạch Tàu để hơi ẩm không thấm lên ông táo. Rồi ra vườn mót miếng mo dừa trọng trọng (*) một chút vạt ngang làm cái xúc tro. Đặt bếp xong, tôi treo nồi niêu xoong chảo lên vách và bắt đầu nấu cơm. Khói chiều dễ làm người xa quê cay mắt, dễ khiến tâm hồn người nhớ quê hoang hoải.

Gian bếp này ấm lên không phải vì mình biết giữ lửa mà đầy ăm ắp tình yêu thương của nội, của ba chị em tôi thuở còn cái tuổi vô ăn vô lo. Cuộc sống êm đềm lặng lẽ trôi theo từng món ăn dân dã. Bồn bồn tươi nấu chua đến con ba khía tươi rang muối. Rồi tô bún mắm, bún riêu cua đồng...Tất thảy đều được bắt đầu từ đôi bàn tay của nội dành cho tôi. Có nhiều khi chỉ là nước mắm kho khô và nồi canh lèo tèo vài cọng cải đất. Thế mà chị em tôi cũng lớn lên, cũng trưởng thành hơn từ chính chái bếp quê nghèo.

Tôi bưng nồi cơm gá lên miệng cà ràng, bên dưới đặt một cái tô lớn để chắt nước. Gạt bớt lửa và chờ cơm lên hơi. Lâu lắm rồi không có cảm giác được bẻ một cục đường mía màu vàng đậm cho vào tô nước cơm, khuấy đều cho tan rồi xì xụp húp. Tô nước cơm đặc sệt cộng với vị ngọt của đường mía sao mà ngon đến lạ!

Hồi đó, nội đã tạo cho chúng tôi một thói quen, sau đó thói quen hình thành tính cách mỗi đứa rồi theo đó mà sống cho hợp với nếp nhà. Nội dạy khi dọn cơm phải xới bung nồi cơm lên. Cơm cháy thì bới vào chén mình ăn trước, để cơm nạc dành phần người lớn và trẻ em. Có lẽ từ đó mà tôi thích ăn cơm cháy đến vậy. Cơm cháy sau khi xới lên, rưới chút mỡ hành, xịt miếng nước tương rồi dùng tay bẻ một miếng giòn rụm, đưa vô miệng mới biết cảm giác ngon không thể tả. Hoặc giả như hôm nào có cá kho khô, quệt một miếng nước cá kho sền sệt lên miếng cơm cháy nhai cũng đã đời lắm!

Sống ở thành thị đã lâu, thi thoảng các món quê và lọn khói chiều trên mái lá vẫn đưa tôi về với nơi cũ. Nơi mà chái bếp vẹo xiêu vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Khi ấy, tôi luôn muốn được tự tay mình rút nhúm lá dừa khô, vò nát một đầu rồi nhóm lửa, ngọn lửa yêu thương của đứa con chưa bao giờ cảm thấy mình xa quê….

(*) trọng trọng: vừa vừa, không lớn không nhỏ.

Võ Thụy Như Phương

Cùng tác giả: Bi hài đám giỗ nội/ Trên một chuyến xe/ Kho quẹt tuổi thơ

Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu

Nguồn tin: vnexpress.net

 Tags: gian, , bếp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam

Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES.,JSC) là công ty mã nguồn mở đầu tiên của Việt Nam sở hữu riêng một mã nguồn mở nổi tiếng và đang được sử dụng ở hàng ngàn website lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực. Wbsite đang hoạt động chính thức: http://vinades.vn/ Ra đời từ hoạt động của tổ chức...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập405
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm397
  • Hôm nay28,767
  • Tháng hiện tại469,446
  • Tổng lượt truy cập98,669,763
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây