Hàn Quốc từ chối tham gia lá chắn tên lửa Mỹ

Thứ năm - 09/05/2013 05:07
(Dân trí) - Hàn Quốc hôm nay đã loại trừ sự tham gia của nước này vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu và nói rằng Seoul sẽ tập trung phát triển hệ thống của riêng mình để bảo vệ quốc gia khỏi các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Tên lửa của Hàn Quốc được phóng lên từ tàu khu trục trong cuộc tập trận hồi tháng 2/2013.
Tên lửa của Hàn Quốc được phóng lên từ tàu khu trục trong cuộc tập trận hồi tháng 2/2013.

Việc có tham gia hay không vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ liên quan tới các tên lửa đánh chặn mặt đất và radar băng X đã trở thành một vấn đề gai góc tại Hàn Quốc, vì điều đó có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực vốn gồm cả Trung Quốc và càng góp phần làm gia tăng chi phí lên chương trình tên lửa quốc gia.

Vấn đề trên đã "nóng" trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 7/5 nói trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye rằng hai nước đã nhất trí cùng hợp tác trong các khả năng phối hợp và phòng thủ tên lửa chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Báo chí Hàn Quốc cho rằng bình luận của ông Obama có thể chứng tỏ các cuộc thảo luận đang tiến triển về sự tham gia của Seoul vào lá chắn tên lửa Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cho biết quân đội đã hợp tác với các lực lượng Mỹ về phòng thủ tên lửa, nhưng quy mô chỉ giới hạn ở mức độ chia sẻ thông tin tình báo.

"Hàn Quốc có hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình để sử dụng nhằm chống lại các tên lửa ở giai đoạn cuối. Điều này thích hợp cho việc ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên", phát ngôn viên Bộ quốc phòng Kim Min-seok nói.

"Trong thời điểm hiện tại, chúng ta đã hợp tác với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ để chia sẻ thông tin tình báo và đang xem xét các cách thức nhằm thúc đẩy sự hợp tác này", ông Kim nói thêm.

Ông Kim cho hay mặc dù Seoul không phải đối chương trình của Mỹ nhưng hai bên đã hợp tác cùng nhau để giám sát và phát hiện các tên lửa của Triều Tiên mà không cần thiết lập các thiết bị bổ sung.

"Hàn Quốc và Mỹ đã hợp tác với nhau để giám sát các tên lửa của Triều Tiên bằng các nguồn lực sẵn có", ông Kim nói, bác bỏ việc triển khai các tên lửa và radar tiên tiến với hệ thống của Mỹ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc hoạt động ra sao?

Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã và đang từng bước xây dựng một lá chắn tên lửa độc lập, tầm thấp có tên gọi Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) bằng việc mua tên lửa Patriot và radar cảnh báo sớm tầm xa.

KAMD bao gồm một radar cảnh báo sớm cũng như các hệ thống phòng thủ trên bộ và hạm đối không, trang bị cho Seoul khả năng truy tìm và bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, bay thấp của Triều Tiên, với sự trợ giúp từ các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ.

Seuol đã phát triển các hệ thống phòng thủ chống lại Triều Tiên, vốn được tin là sở hữu trên 1.000 tên lửa với các khả năng khác nhau. Nhưng kế hoạch đã trở nên cấp bách sau khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái.

Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng nhằm đưa một vệ tinh lên quỹ đạo, nhưng Seoul và Washington xem đó là một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo trá hình.

Hàn Quốc hiện đang vận hành các khẩu đội tên lửa Patriot PAC-2, có khả năng tiêu diệt một tên lửa đang tới gần ở độ cao tới 30km.

Hồi cuối tháng 4, quân đội Hàn Quốc đã phê chuẩn kế hoạch nhằm nâng cấp hệ thống PAC-2 lên phiên bản PAC-3.

Mỹ có chương trình 4 giai đoạn
 
Trong khi đó, quân đội Mỹ hiện đang thực hiện một chương trình 4 giai đoạn, sử dụng các tên lửa đánh chặn trên đất liền và trên biển kể từ năm 2009.

Hải quân của một số nước sẽ tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển với với Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Australia.

Để đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng nhằm tấn công Mỹ bằng các vũ khí hạt nhân và tên lửa đáp trả cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hồi tháng 4, Lầu Năm Góc đã triển khai thêm 14 tên lửa đánh tại Alaska để bảo vệ bờ tây khỏi Triều Tiên.

Lầu Năm Góc cũng đặt 2 tàu khu trục tên lửa Aegis tại tây Thái Bình Dương và một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở đảo Guam.

An Bình
Tổng hợp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ủng hộ, hỗ trợ và tham gia phát triển NukeViet

1. Ủng hộ bằng tiền mặt vào Quỹ tài trợ NukeViet Qua tài khoản Paypal: Chuyển khoản ngân hàng trực tiếp: Người đứng tên tài khoản: NGUYEN THE HUNG Số tài khoản: 0031000792053 Loại tài khoản: VND (Việt Nam Đồng) Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay17,399
  • Tháng hiện tại560,202
  • Tổng lượt truy cập99,510,377
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây