Bài 2: Người đàn bà đau khổ với mong ước cuối đời

Thứ bảy - 13/07/2013 19:49
Mất nhà đất, phải đi tù, để con cái bơ vơ khiến bà Hiền rơi vào tột cùng của sự đau khổ. Cho rằng mình bị án oan vì cách làm sai trái của các cơ quan hành pháp địa phương, nhiều năm nay bà vẫn đi tìm công lý với mong muốn được… thanh thản.

Tận cùng của bĩ cực

Sau khi bị Đội Thi hành án (THA) TP.Pleiku cưỡng chế gần hết nhà, đất, 6 mẹ con bà Hiền chỉ tá túc trong căn nhà dột nát chưa đến 10m2. Không còn tin tưởng vào các cơ quan hành pháp địa phương, bà Hiền đã để lại 5 đứa con của mình trong căn nhà dột nát trên, ra Hà Nội tìm nơi kêu cứu.

Khoảng tháng 7/1998, 5 đứa con tội nghiệp của bà Hiền không có chỗ để trú nắng, mưa nên đã đập bức tường (rộng chừng 80cm, cao chừng 1,6m) mà Đội THA đã xây để ngăn căn nhà cưỡng chế với phần nhà còn lại của bà Hiền để vào căn nhà đã cưỡng chế ở. Nhưng sau đó lại bị cơ quan chức năng đuổi ra và xây lại bức tường trên.

Đến tháng 8/1998, các con của bà Hiền vì không có chỗ ở nên lại tiếp tục đập tường để chui vào nhà ở và lại bị đuổi ra.

Ngày 31/8/1998, phần nhà cưỡng chế đã được bán đấu giá cho bà Lương Thị Tin với số tiền 96 triệu đồng. Nhưng sau đó, các con bà Hiền không có chỗ ở nên lại tiếp tục đập bức tường trên để chui vào nhà tá túc.

Bức tường rộng chừng 80cm (nơi treo chiếc gương) là khởi nguồn cho việc bà Hiền rơi vào vòng lao lý
Bức tường rộng chừng 80cm (nơi treo chiếc gương) là khởi nguồn cho việc bà Hiền rơi vào vòng lao lý

Anh Nguyễn Minh Phú (SN 1986), con trai út của bà Hiền đau đớn nhớ lại: “Hồi đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ như in mọi việc. Mẹ đi ra Hà Nội tìm công lý, chị em tôi ở nhà khổ quá, không có chỗ ở nên mới đập tường vào nhà để ở chứ không làm gì hết. Sau đó, chúng tôi còn bị công an phường và đội cưỡng chế dùng dùi cui đánh vào người, vào mặt chảy cả máu, rồi bị bắt về phường nhốt mấy ngày”.

Đỉnh điểm của sự việc là ngày 23/7/2001, trong lúc đang ở phòng trọ ngoài Hà Nội, bà Hiền đã bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ và di lý về tỉnh. “Trên đường từ Hà Nội về Gia Lai, khi đi đến Hà Tĩnh xe chở tôi bỗng dưng bị lật khiến tôi bị thương nặng, suýt mất mạng”, bà Hiền nhớ lại.

Ngày 19/10/2000, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Pleiku ra cáo trạng số 67/KSĐT-TA, truy tố bà Hiền với 2 tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản công dân” và “Không chấp hành án” (sau đó đình chỉ truy tố tội danh “không chấp hành án).

Ngày 18/9/2001, TAND TP.Pleiku mở phiên tòa sơ thẩm do thẩm phán Đặng Ngọc Ba làm chủ tọa đã xét xử, và tuyên phạt bà Trần Thị Hiền 24 tháng tù giam về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Do bản thân không hề tham gia việc đập tường để vào nhà ở, nên bà Hiền đã không chấp nhận bản án cùng tội danh trên, nên bà Hiền làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai. Và một lần nữa bà lại rơi vào sự oan ức tột cùng vì bị cấp phúc thẩm phạt 18 tháng tù giam với tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

“Xử tôi phạm tội nhưng ít nhất cũng phải có bằng chứng việc tôi phạm tội quả tang hay có ai làm chứng mới được chứ. Đằng này lúc các con tôi đập tường và cả nhà tôi bị công an phường bắt giữ, thì tôi đang ở ngoài Hà Nội. Vậy mà các cơ quan tố tụng lại khép tội cho tôi, khiến tôi đau khổ vô cùng. Tôi đi tù không có ai nuôi con cho tôi khiến chúng bơ vơ, tủi nhục. Thật sự tôi quá đau khổ vì những cay đắng mà họ mang lại”, bà Hiền buồn khóc.

“Đá bóng” trách nhiệm

Làm việc với PV, ông Phạm Thanh Đề- Trưởng phòng Kiểm tra- Giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc cục THADS tỉnh Gia Lai cho biết, trình tự giải quyết của Đội THA TP.Pleiku lúc bấy giờ là đúng. Và việc Đội THA cưỡng chế quá số diện tích theo bản án mà tòa đã xử được ông Đề giải thích là phải kê biên để lấy đủ số tiền hơn 94 triệu đồng, chứ không phải là kê biên để lấy 2/5 diện tích nhà đất như tòa đã chia: “Nếu kê biên một phần chưa đủ (hơn 94 triệu đồng- PV) thì có quyền kê biên hết (toàn bộ nhà và đất- PV)”, ông Đề nói.

Ông Đề và một nhân viên của mình cho biết thêm, do sợ ảnh hưởng đến bà Hiền nên Đội THA đã không kê biên theo như bản án tòa chia cho ông Hào 2/5 và bà Hiền 3/5 diện tích nhà và đất: “Theo quy định của THA về lĩnh vực cưỡng chế kê biên nhà, khi cưỡng chế kê biên khuôn viên khuôn viên như thế nào phải làm tròn chứ không thể chừa lại 2/5 được. Không thể cắt cái nhà để lấy 2/5 được. Đây là cưỡng chế kê biên lấy tiền chứ không phải lấy nhà. Đây không phải là chia tài sản. Lấy 2/5, còn 3/5 chắc gì người ta đã ở nữa…”, ông Đề và nhân viên giải thích.

Tuy nhiên chính vì sự quá “lo lắng” cho gia đình bà Hiền nên Đội THA đã lấy quá số diện tích nhà, đất, để rồi mẹ con bà Hiền phải rơi vào vòng lao lý.

Còn việc, Đội THA chỉ THA với bà Hiền mà không đồng thời THA với ông Hào, ông Đề cho rằng: “Đó là do bà Hiền nói, còn trên hồ sơ thì khác. Ông Hào đã bán tài sản đi lang thang cù bất cù bơ và thi hành chưa đầy đủ”.

Bà Hiền cho rằng bản cáo trạng này truy tố lạc tội danh
Bà Hiền cho rằng bản cáo trạng này truy tố "lạc" tội danh

Sau khi làm việc với Cục THANDS tỉnh, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Doanh- Phó viện trưởng VKSND TP.Pleiku. Ông Doanh cho biết, có 3 người tham gia vào việc khởi tố bà Hiền lúc bấy giờ, bây giờ 1 người đã nghỉ hưu, 1 người đã chuyển xuống huyện làm còn 1 người nữa là ông Chung hiện đang công tác tại VKSND tỉnh Gia Lai. Nên ông không nắm sâu vụ án này.

Khi chúng tôi xin được xem bằng chứng để cơ quan công tố chứng minh bà Hiền có hành vi đập phá tường để vào ở trong căn nhà đã kê biên. Thì ông Doanh cho biết, VKS không nắm hồ sơ đầy đủ bằng Tòa án, nên chỉ PV lên tòa để lấy.

Trước câu hỏi: Liệu VKSND đã truy tố đúng người, đúng tội chưa? Bởi nếu bà Hiền có tham gia trong việc đập phá bức tường và vào nhà ở thì có chăng chỉ là tội “hủy hoại tài sản” và số tài sản này là bức tường đã đủ giá trị để khởi tố tội hình sự chưa? Và căn nhà kê biên vẫn còn nguyên, mẹ con bà Hiền chưa hề sở hữu hay tẩu tán căn nhà trên, bà Tin vẫn lấy lại và quản lý được nên không thể xem đây là tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản được”?

Dù thuộc lĩnh vực của mình, nhưng trước những câu hỏi trên thì ông Doanh đã trả lời: “Cho mình miễn bình luận cái vụ việc này” và “lên gặp tòa án tỉnh”.

Cơ quan thuế yêu cầu bà Hiền phải nộp đủ số tiền thuế nhà đất với tổng diện tích 58,9m2
Cơ quan thuế yêu cầu bà Hiền phải nộp đủ số tiền thuế nhà đất với tổng diện tích 58,9m2

Khi PV lên TAND tỉnh Gia Lai để tìm hiểu sự việc thì ông Đặng Phan Chung đưa cho chúng tôi tờ giấy “Phiếu mượn hồ sơ” của TADN Tối cao- Tòa dân sự, mượn ngày 18/6/2012. Và ông Chung cho biết thêm, thẩm quyền giải quyết vụ việc là Tòa tối cao chứ tòa tỉnh không có quyền giải quyết nên PV “liên hệ với Tòa tối cao mà làm việc”!

Sự việc này đã kéo dài hơn 20 năm nay khiến bà Hiền và gia đình rơi vào bi kịch đau khổ, bản thân bà vì mất nhà và tù tội nên luôn sống trong buồn đau, xấu hổ, mặc cảm: “Tới bây giờ tôi vẫn còn xấu hổ lắm, ở quê ai cũng nghĩ tôi gây nên tội gì xấu xa nên mới phải đi tù khiến tôi không dám về quê. Những ngày tháng tôi ở tù các con tôi phải chịu khổ cực, điều tiếng. Gia đình tôi từ một gia đình có công với cách mạng, nuôi, giấu bộ đội mà đến bây giờ lại chịu sự hàm oan, khiến sự việc vẫn đeo bám gia đình tôi, hồ sơ, lý lịch của các con tôi luôn có 1 vết “đen” là mẹ chúng đi tù, mà chẳng biết đến đời nào mới xóa được. Hệ lụy quá lớn đi”, bà Hiền chua xót nói.

Bà Hiền cho biết thêm, cách đây 2 tuần, Cục THADS tỉnh Gia Lai có hứa sẽ mời bà lên làm việc vào tuần tới, nhưng “tuần tới” đã hết và sang “tuần tới” khác mà bà vẫn chưa thấy Cục mời bà lên làm việc.

Dù gia đình có nhiều biến cố đầy oan trái, nhưng niềm an ủi lớn nhất của bà Hiền đó là trong 5 người con của bà thì có 4 người với nghị lực kiên cường vượt qua mọi khó khăn đã học hành có bằng cử nhân, thạc sĩ và công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, nỗi oan trên không chỉ là sự đau khổ luôn dày xé tâm can bà, sự mất mát về tài sản, thể chất và tinh thần mà nó còn là “vết đen” cản đường bước tương lai của các thế hệ con, cháu đời sau bà. Khi lý lịch bà là người từng phải đi tù.

Trước nỗi đau quá lớn của gia đình mình nói chung và mẹ mình nói riêng, người con trai út của bà là anh Phú đã quyết tâm thay mẹ đi tìm công lý, mong được hàm oan: “Tôi đã quyết tâm thay mẹ tôi đi tìm công lý, đòi lại công bằng cho mẹ để mong những năm tháng còn lại của cuộc đời mẹ được thanh thản”, anh Phú tâm sự.

 

Thiên Thư

 

 

 

 

 

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Logo và tên gọi NukeViet

Tên gọi: NukeViet phát âm là [Nu-Ke-Việt], đây là cách đọc riêng, không phải là cách phát âm chuẩn của tiếng Anh. Ý nghĩa: NukeViet là từ ghép từ chữ Nuke và Việt Nam. Sở dĩ có tên gọi này là vì phiên bản 1.0 và 2.0 của NukeViet được phát triển từ mã nguồn mở PHP-Nuke. Mặc dù từ phiên bản 3.0,...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay30,644
  • Tháng hiện tại149,463
  • Tổng lượt truy cập98,349,780
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây