Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng về cước 3G

Thứ ba - 05/11/2013 09:57
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, sau khi làm việc với Bộ Công thương, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo chính thức với Chính phủ về việc điều chỉnh giá cước 3G và nếu cần thiết Bộ TT&TT sẽ công khai thông tin này cho xã hội.
Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng về cước 3G

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, sau khi làm việc với Bộ Công thương, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo chính thức với Chính phủ về việc điều chỉnh giá cước 3G và nếu cần thiết Bộ TT&TT sẽ công khai thông tin này cho xã hội.

Sở cứ nào để điểu chỉnh cước 3G?

Vừa qua, tại Hà Nội, Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông liên quan.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, xu hướng quản lý hiện nay là nhà nước sẽ không can thiệp sâu mà tôn trọng định hướng của kinh tế thị trường. Trước đây, giá cước viễn thông thuộc diện bình ổn giá, nhưng hiện nay theo Luật Giá thì cước viễn thông sẽ theo cơ chế thị trường vì thị trường này đã mở cửa cạnh tranh nên quyền định giá cước do doanh nghiệp chủ động quyết định theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ còn quyết định và ban hành giá cước cụ thể là giá cước dịch vụ công ích và cước kết nối. Như vậy, Bộ TT&TT sẽ phải ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý giá cước viễn thông theo Luật Giá mới và Luật Viễn thông. Nhà nước sẽ chuyển hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường tính chủ động của doanh nghiệp.

Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh cước 3G

Tuy nhiên, viễn thông là lĩnh vực có đặc thù nên việc quản lý không chỉ theo Luật Giá mà phải có cả Luật Viễn thông với những quy định riêng và điều ước quốc tế khi Việt Nam tham gia vào các tổ chức này. Vì vậy, giá cước viễn thông phải trên cơ sở giá thành, mặt bằng quốc tế và khu vực, cung - cầu thị trường. Những dịch vụ chỉ liên quan đến trong nước thì phải tính toán trên cơ sở giá thành, còn những dịch vụ liên quan đến quốc tế sẽ phải tính toán đến yếu tố mặt bằng quốc tế và khu vực. Vì vậy, khi điều chỉnh cước 3G phải tính đến yếu tố khu vực vì liên quan đến việc thanh toán quốc tế giữa các mạng di động với những đối tác nước ngoài. Nếu các mạng di động bán dưới giá thành sẽ không thu đủ để trả cho đối tác nước ngoài. Trong lĩnh vực Internet thì chúng ta phải thanh toán cho nước ngoài nhiều hơn các đối tác nước ngoài trả cho Việt Nam vì hệ thống máy chủ đặt chủ yếu ở nước ngoài. Khi xem xét điều chỉnh cước 3G, Bộ TT&TT đã xem xét đầy đủ trên nhiều yếu tố.

Sau khi điều chỉnh 3G, dư luận rất quan tâm đến giá thành dịch vụ này. Bộ TT&TT cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn xác định giá thành dịch vụ viễn thông. Không chỉ có người dân quan tâm, mà nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành nên giá thành dịch vụ viễn thông. Sở dĩ phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải tính đủ, tính đúng giá thành tránh trường hợp như truyền thông đưa về việc Tập đoàn Điện lực đưa vào giá thành cả các phần chi phí khác ngoài sản xuất kinh doanh về điện. Khi cần thiết, Bộ TT&TT sẽ công bố giá thành của doanh nghiệp viễn thông.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ thì cần công khai đầy đủ thông tin về dịch vụ này như giá cước, chất lượng dịch vụ... Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua khi điều chỉnh cước 3G các doanh nghiệp chưa truyền thông tốt về vấn đề này nên gây phản ứng từ người dùng và dư luận.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành quy định những loại thông tin gì bắt buộc các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước phải thông tin cho xã hội. Bộ TT&TT sẽ xây dựng quy định yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông những loại thông tin gì phải công khai minh bạch cho xã hội, cơ quan quản lý nhà nước.

“Cơ sở để việc điều chỉnh cước 3G lần này được quy định rõ trong các định hướng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, quy hoạch này quy định rõ các doanh nghiệp phải giảm chi phí để giảm giá thành cung cấp dịch vụ phù hợp với thu nhập của người dân, đồng thời các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước đang thấp hơn giá thành lên dần đến giá thành để đảm bảo cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, cước nhiều dịch vụ viễn thông đã giảm mạnh, nhưng một số dịch vụ đang thấp hơn giá thành rất nhiều như dịch vụ quốc tế chiều về và 3G. Trong khi đó, Luật Viễn thông quy định giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng chung của khu vực và quốc tế. Luật Giá quy định giá cước xây dựng trên cơ sở các yếu tố hình thành nên giá. Nghị định 25 cũng quy định các doanh nghiệp không được bán giá quá thấp dưới mức trung bình trên thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế không được bán dưới giá thành. Luật Cạnh tranh còn quy định rõ chỉ cho phép các doanh nghiệp được bán dịch vụ dưới giá thành trong một thời gian nhất định chứ không được bán phá giá để loại các đối thủ trên thị trường”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng dẫn chứng.

Điều chỉnh cước 3G đã xem xét đến cả đến mặt bằng khu vực

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, suốt 3 năm nay dịch vụ 3G đã bán dưới giá thành nên chắc chắn phải điều chỉnh. Trong khi đó, nếu so sánh với giá cước của các nước trong khu vực thì giá cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 30 - 40%. Giá cước so sánh này đã được căn cứ trên giá dịch vụ và thu nhập quốc dân đầu người của các nước trong khu vực và thế giới. Thông tin này sẽ được bộ TT&TT công bố công khai sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đây, khi mới cung cấp dịch vụ 3G do hạ tầng đầu tư lớn, ít người sử dụng nên bắt buộc phải cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Nhưng khi thị trường cung đang giữ nguyên mà cầu tăng rất mạnh thì phải điều chỉnh theo yếu tố cung - cầu thị trường. Vì vậy, việc điều chỉnh cước 3G đã được tính toán kỹ trên các cơ sở pháp lý chặt chẽ và thực tế thị trường.

“Trong khi tiến hành điều chỉnh cước 3G, chúng ta không thông tin đầy đủ về tác động của đợt điều chỉnh này nên đã có những phản ứng không đáng có. Tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có khoảng 18,9 triệu thuê bao 3G đang hoạt động (có phát sinh cước), trong tổng số 91 triệu thuê bao di động đang hoạt động ở thời điểm đó. Như vậy, nếu tính số thuê bao 3G trên số lượng gói cước bị điều chỉnh thì có khoảng 8% thuê bao di động bị ảnh hưởng. Những người thu nhập thấp, ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa gần như không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh cước 3G. Đối tượng bị tác động bởi điều chỉnh cước 3G vừa qua là những người dùng smartphone, chủ yếu là người có thu nhập cao ở thành phố. Trong khi đó, sau khi giảm cước thì cước 3G của Việt Nam mới bằng khoảng 60% so với giá thành. Trong đợt điều chỉnh cước 3G lần này không chỉ có tăng, mà còn có giảm và có gói cước được giữ nguyên, mức tăng trung bình khoảng 20%”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.

Chất lượng dịch vụ viễn thông còn có vấn đề

Thẳng thắn đánh giá về chất lượng dịch vụ viễn thông hiện nay của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá rằng mặc dù giá cước viễn thông thấp nhưng chất lượng đang có vấn đề, đặc biệt đối với một số gói cước truy cập Internet trên di động vốn rất khó đánh giá. “Vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ phải theo đúng quy định pháp luật, những dịch vụ nào đưa ra thị trường thì phải công bố chất lượng dịch vụ đi kèm gói cước. Cần có kiểm tra, quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ mang tính định lượng nhiều hơn chứ không phải mang tính định tính. Các doanh nghiệp cũng phải tự kiểm tra giám sát dịch vụ của mình có đúng với cam kết hay không”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, sắp tới Bộ TT&TT sẽ ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn về dịch vụ di động và hạ tầng của di động.

Tác giả: Theo ICTNews

Nguồn tin: http://www.quantrimang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Giấy phép sử dụng NukeViet

Bản dịch tiếng Việt của Giấy phép Công cộng GNU Người dịch&nbsp;Đặng Minh Tuấn <dangtuan@vietkey.net> Đây là bản dịch tiếng Việt không chính thức của Giấy phép Công cộng GNU. Bản dịch này không phải do Tổ chức Phần mềm Tự do ấn hành, và nó không quy định về mặt pháp lý các điều khoản cho các...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập141
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay37,481
  • Tháng hiện tại113,898
  • Tổng lượt truy cập99,064,073
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây