5 Công nghệ mới sẽ thay đổi Internet

Thứ ba - 03/11/2009 08:48

5 Công nghệ mới sẽ thay đổi Internet

TV 3-D, HTML5, video trên nền Wi-Fi, USB siêu nhanh và công nghệ "tăng cường thực tế" di động sẽ trở thành những công nghệ gây nên đột phá, chấn động trong vài năm tới.
Nhấm nháp tách trà, bạn gõ tay lên chiếc máy tính bảng đang kết nối không dây với tốc độ Gigabit. Một bộ phim 3D được "lôi" ra khỏi ổ cứng và phóng lên chiếc HDTV chỉ mỏng như lưỡi dao cạo đang treo trên tường. Một máy chủ media sẽ truyền bộ phim thông qua kết nối USB siêu tốc sang ăngten thu sóng HD không dây, để rồi cuối cùng bộ phim xuất hiện trên màn hình vô tuyến.

Ai là nam diễn viên chính vậy? Cặp kính contact "tăng cường thực tế" mà bạn đang đeo sẽ thu nhận những chuyển động do mắt rạo ra khi óc bạn nảy sinh câu hỏi. Cùng lúc đó, bạn gõ tay trên một bàn phím ảo xuất hiện trước mặt mình. Bất thình lình, tầm mắt của bạn được bao phủ bởi một trang Web, hiện ra một danh sách dài những bộ phim mà diễn viên đó từng đóng, cùng với một số video clip nhúng.

Nghe có vẻ giống với tiểu thuyết khoa học viễn tưởng quá ư? Thì tương lai ư? Đúng. Nhưng không quá xa như bạn tưởng.
Tốc độ và nội dung sẽ song hành trên tất cả các nền tảng di động, laptop, desktop và hệ thống giải trí gia đình. Những cách thưởng thức video mới (như 3-D chẳng hạn) sẽ đòi hỏi sức mạnh điện toán mạnh hơn, tốc độ cao hơn và khả năng lưu trữ lớn hơn.

Trong số 5 công nghệ nhắc tới ở trên, USB 3.0, 802.11ac, 802.11ad cho phép chia sẻ các nội dung media, nhất là video, nhanh hơn. HTML5 hiển thị video và đủ mọi dạng nội dung một cách trôi chảy trên tất cả các thiết bị, công nghệ thực tế tăng cường cho phép lồng ghép thế giới số vào trong đời sống thực, khi chèn vào tầm mắt của chúng ta những hình ảnh đồ họa và text. Cuối cùng là TV 3-D sẽ bổ sung thêm chiều sâu cho hình ảnh và khiến trải nghiệm xem TV thêm sống động, trung thực hơn.

1. USB 3.0

Mô tả ảnh.
Nguồn: PCW
Chuẩn USB 3.0 mới vẫn cho phép đầu cáp cũ cắm vào jack mới, tuy nhiên, những đầu cáp thế hệ mới sẽ có nhiều chạc hơn, cho phép tăng tốc độ truyền dữ liệu lên thành 4,8 gb/giây. Trước khi bạn rời nhiệm vụ, bạn cần phải sao chép lại dữ liệu máy tính ư? Bạn chỉ việc nhấn nút và 5 phút sau, trong khi bạn vẫn đang thu dọn đồ đạc, hệ thống của bạn đã trút xong 150 GB dữ liệu vào một ổ lưu trữ thể rắn (SSD) siêu tốc 512GB.
Trên đường về nhà, bạn dừng lại ở một quầy bán phim tự động bên ngoài một nhà hàng fast-food để download một bộ phim 3-D trọn vẹn. Bạn chỉ việc cắm dây ổ SSD, chờ kiosk đọc thông tin tín dụng và thế là quá trình download bắt đầu. Bạn xem xong đoạn quảng cáo dài 90 giây về những bộ phim sắp trình chiếu cũng là lúc ổ SSD nuốt xong 30 GB video. Bạn rút ổ ra và thẳng tiến về nhà.
USB có lẽ là một trong những công nghệ ít sành điệu và ít được chú ý nhất hiện nay trong máy tính lẫn thiết bị di động. Tuy nhiên, cứ thử tăng tốc cho nó lên gấp 10 lần xem, bạn sẽ lập tức nhận thấy sự khác biệt. Gần như tất cả các sợi cáp đang nối với máy tính của bạn sẽ biến mất. Tiềm năng của việc chia sẻ các đoạn video không nén mở rộng thênh thang.
Mọi nhiệm vụ liên quan đến việc truyền dữ liệu giữa PC với thiết bị ngoại vi như scanning, in, chia sẻ tài liệu... sẽ trở nên nhanh đến chóng mặt với USB 3.0. Trong nhiều trường hợp, việc truyền file sẽ hoàn tất trước cả khi bạn kịp nhận ra nó bắt đầu lúc nào.
Với mục tiêu hướng đến là 3,2 Gb/giây, chuẩn USB 3.0 sẽ nhanh gấp 5-10 lần so với các chuẩn USB hiện tại. Ngoài ra, USB 3.0 còn có thể truyền dữ liệu tốc độ cao theo cả hai hướng cùng lúc (vừa gửi đi, vừa tải về). USB 3.0 sẽ tiếp nhận cả đầu cắm 1.0 lẫn 2.0, tuy nhiên cáp 3.0 sẽ chỉ tương thích với jack 3.0 mà thôi.
Công nghệ này nếu đi vào thực tế có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của kết nối thiết bị. Một máy tính desktop đời mới hiện nay bao gồm jack cắm cho ethernet, USB 2.0, FireWire 400 hoặc 800 hoặc cả hai, DVI hoặc DisplayPort hoặc cả hai. Tuy nhiên, USB 3.0 sẽ xóa sổ tất cả những kết nối này ngoại trừ ethernet. Một máy tính sẽ có vài cổng USB 3.0, chịu trách nhiệm đưa dữ liệu đến màn hình, thu dữ liệu từ máy scanner và trao đổi với ổ cứng.
USB 3.0 đủ nhanh để truyền video không nén 1080p với tốc độ 60 hình/giây. Điều này cho phép một máy quay cầm tay đơn giản bắn video đang quay thẳng lên mạng không dây, hoặc lưu nó bên trong ổ cứng.
Cuối cùng, USB 3.0 có thể biến máy tính thành trạm sạc thực thụ. Nếu như USB 2.0 chỉ sản sinh được 100 milliampe (mA) sạc cho mỗi cổng thì USB 3.0 nâng định lượng lên thành 150 mA/thiết bị.
Với sự hấp dẫn và hứa hẹn như vậy, nhà sản xuất chắc chắn sẽ đón nhận USB 3.0 một cách nhiệt tình. Giới phân tích dự đoán công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi trên máy tính trong một vài năm nữa, tiếp đến là các thiết bị di động và đồ điện gia dụng.

2. Video trên nền Wi-Fi

Mô tả ảnh.
Nguồn: PCW
Khi bạn về nhà với bộ phim phân giải cao, 3D lưu trong ổ flash - bạn cắm ổ vào laptop và truyền file lên máy chủ mạng thông qua kết nối Wi-Fi. Một vài phút sau, bộ phim đã sẵn sàng để trình chiếu thông qua một kết nối không dây 60GHz, từ máy chủ giải trí lên chiếc HDTV treo tường.
Mạng Ethernet cố định luôn đạt tốc độ truyền dữ liệu cao hơn so với Wi-Fi, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Wi-Fi mãi mãi cam chịu thua kém. Đến năm 2012, hai giao thức mới là 802.11 ac và 802.11 ad sẽ có thể đảm đương được những vụ truyền dữ liệu lên tới 1 gb/giây hoặc hơn.
Hệ quả là trong tương lai, người dùng sẽ có thể truyền (stream) video phân giải cao và game đi khắp nhà lẫn khắp phòng. Các máy chủ media trung ương, đầu đĩa Blu-ray và đầu thu kỹ thuật số có thể được đặt tại bất kỳ đâu trong nhà, "bắn" nội dung đến thiết bị cuối dù cho thiết bị đó đang ở góc nào đi chăng nữa.
Lấy thí dụ, một màn hình video HD có thể tiếp nhận dữ liệu từ đầu Blu-ray, chảo thu vệ tinh lẫn máy tính chỉ qua kết nối không dây. Bạn sẽ không cần tới bất cứ đường cáp lằng nhằng mà đắt đỏ nào.
802.11ac và 802.11ad rất thích hợp để sử dụng trong gia đình, dù cho ứng dụng của chúng hiển nhiên là không bó hẹp như vậy. Với 802.11ac, hiệu suất của mạng không dây sẽ nhảy vọt từ tốc độ đỉnh trên lý thuyết là 600 mb/giây lên thành tối đa hơn 1 gb/giây. Còn trong thực tế, 802.11ac có thể truyền được từ 300 mb/giây - 400 mb/giây, cao hơn gấp đôi so với con số 160 mb/giây của chuẩn 802.11n hiện nay.
Sự kết hợp của 802.11ac và 802.11ad, cộng với USB 3.0 sẽ cho phép bạn xếp đặt các thiết bị máy tính và phần cứng giải trí khắp nhà. USB 3.0 và ethernet Gigabit có thể kết nối thiết bị đặt trên bàn học hay bên trong hộc tủ, 802.11ac sẽ kết nối các tổ hợp trong phạm vi cả nhà trong khi 802.11ad đưa dữ liệu đến với thiết bị di động, màn hình, máy chiếu bên trong một gian phòng.
Theo dự đoán, đến năm 2012, cả hai chuẩn này sẽ đều đáp xuống thị trường, hứa hẹn khả năng thưởng thức video phân giải cao linh hoạt hơn nhiều so với hiện nay.

3. 3D TV

Mô tả ảnh.
Nguồn: PCW
Nhiều hãng sản xuất TV phân giải cao đang hướng đến công nghệ "giả 3D" để tạo ra một chiều sâu mới cho hình ảnh và thuyết phục người dùng bỏ tiền sắm TV mới.
Khi các hãng TV giới thiệu HDTV, họ cũng phải nghĩ ngay đến một công nghệ mới kế tiếp để theo đuổi. Và đó chính là 3DTV. Các dự án làm phim và quay phim bằng công nghệ 3D đã tăng dần về số lượng, Hollywood cũng bắt đầu xây dựng một thư viện phim 3D nho nhỏ để phục vụ những vị khán giả khó tính.
3D hứa hẹn mang lại một trải nghiệm xem phim sống động hơn, chân thực hơn, khác biệt đáng kể với tất cả những gì bạn từng xem trước đây. Trong các rạp chiếu thương mại, hình ảnh 3D trên màn chiếu thường bắt khán giả phải đeo một loại kính "thụ động" đặc biệt mới xem được. Mỗi mắt sẽ tiếp nhận một hình ảnh khác nhau, sau đó bộ não sẽ đồng hóa hai hình ảnh để tạo ra ý niệm về chiều sâu.
Để tương phản, 3D tại gia gần như chắc chắn sẽ dựa trên sự thay đổi của góc xem đối với khuôn hình kế tiếp. Những mẫu HDTV có tốc độ đảo hình 120 vòng/giây (120 Hz) hiện đã khá phổ biến, do đó khả năng thay đổi hình ảnh dành cho mắt trái và phải sẽ nhanh hơn nhiều so với năng lực điều tiết của mắt.
Mặc dù vậy, xem TV 3-D vẫn đòi hỏi phải có kính "chủ động", sử dụng cửa sập nhanh để thay đổi khuôn hình mà mỗi mắt nhìn thấy. Tại thời điểm này kính chủ động còn rất đắt, nhưng giá bán của chúng sẽ sớm rẻ đi khi 3D phổ biến hơn. Cùng lúc, các nhà thiết kế đang nỗ lực tạo ra một mẫu TV 3-D không cần đeo kính để xem.
Cả Sony lẫn Panasonic đều đã công bố kế hoạch sản xuất màn hình 3-D. Thậm chí Panasonic còn trình diễn một màn hình cỡ lớn mà hãng dự định xuất xưởng vào năm tới. Theo truyền thống, có lẽ TV 3-D cao cấp sẽ ra mắt trước rồi mới đến những model hợp túi tiền hơn.
Tuy vậy, chính việc sản xuất và phát hành nội dung 3D mới là thách thức lớn. Số phim 3D hiện nay chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay, và kỹ thuật "3D hóa các bộ phim sẵn có" chỉ là một giải pháp tình thế để lấp chỗ trống.
Các kênh truyền hình mặt đất và IPTV cũng nên sớm phát sóng nội dung 3D. Băng thông của các mạng này đủ để cung cấp video 3D một khi nâng cấp hạ tầng. Tuy nhiên, truyền hình vệ tinh sẽ gặp khó khăn hơn, bởi hiện họ đã sử dụng công nghệ nén ở cấp cao nhất.

4. "Lồng hình vào mắt"

Mô tả ảnh.
Nguồn: PCW
Giáo sư Babak Parviz của Trường Đại học Washington đang nghiên cứu một loại thấu kính sát tròng sinh học, có thể "sơn hình ảnh và thông tin" trực tiếp lên mắt để tăng cường cho những gì bạn nhìn thấy.
"Thực tế tăng cường" là một thuật ngữ hơi trừu tượng. Nhưng về bản chất, nó là việc lồng, chèn thêm hình ảnh đồ họa và dữ liệu do máy tính tạo ra lên trên những gì mà mắt ta nhìn thấy trực quan. Mục tiêu của công nghệ này là nhằm tăng cường khả năng tương tác với vật thể xung quanh, bởi chúng ta sẽ được cung cấp ngay lập tức những thông tin có liên quan đến số vật thể đó.
Tại công sở, bạn có thể đi vòng quanh văn phòng và nhìn thấy tên họ, phòng ban của từng người bạn gặp - được "sơn rất rõ" trên cơ thể họ. Ngoài ra còn có một đồ thị chỉ rõ những công việc gì bạn đang nợ họ hoặc họ nợ bạn.
Một số hãng đã tung ra những phần mềm cho phép chèn dữ liệu dạng văn bản hoặc video lên trên một địa điểm nào đó. Dữ liệu được truy xuất từ nhiều radio và vi cảm biến tích hợp bên trong smartphone hiện đại, bao gồm GPS (để nhận dạng vị trí), gia tốc kế (để đo thay đổi trong tốc độ và hướng) và từ kế (để đo sự tương quan giữa vị trí với cực bắc).
Lấy thí dụ, trong ứng dụng có tên Nơi gần nhất, tên và vị trí của các trạm tàu điện ngầm, công viên, bảo tàng, nhà hàng, thắng cảnh... sẽ hiện ra bên trên hình ảnh video clip của màn hình iPhone. Khi bạn đi thẳng hoặc rẽ, các thông tin cũng thay đổi theo, đè lên vị trí hiện tại của bạn.
Parviz và nhóm của ông đang tìm cách đưa hình ảnh trực tiếp lên nhãn cầu. Họ muốn nhúng bảng mạch video thẳng vào kính sát tròng. Tuy nhiên, đường vào thực tế của công nghệ "thực tế tăng cường" xem ra khả thi nhất vẫn là thông qua các thiết bị tìm đường và smartphone.

5. HTML5

Mô tả ảnh.
Nguồn: PCW
Bạn còn nhớ thời mà mọi website đều in dòng chữ "tối ưu hóa cho Netscape Navigator" hay "yêu cầu IE 4" chứ? Ngày nay, người ta vẫn thiết kế trang web theo kiểu như vậy: chỉ tương thích, hoặc hiển thị tốt nhất trên một số trình duyệt nhất định mà thôi.
Tuy nhiên, HTML5 ra đời chính là để thay đổi vĩnh viễn truyền thống đó. Nó cho phép các nhà thiết kế tạo ra những website mà về cơ bản, sẽ hiển thị như nhau trên mọi trình duyệt. Dù cho đó là desktop, laptop hay thiết bị di động và nó sẽ mang đến một trải nghiệm web tốt hơn, nhanh hơn, phong phú hơn.
Thay vì để cho các hãng trình duyệt tự quyết định xem họ sẽ sử dụng công nghệ nào, HTML5 yêu cầu trình duyệt phải có những cơ chế tích hợp bắt buộc đối với nội dung âm thanh, video và đồ họa 2D. Các vấn đề về bằng sáng chế và cấp phép sẽ gây ra nhiều cản trở, nhưng doanh nghiệp có vô vàn động lực để khắc phục và vượt qua chúng.
Đổi lại, các nhà thiết kế website và phát triển ứng dụng web sẽ không phải đối mặt với vấn đề thiếu tương thích nữa. Các thiết bị di động sẽ được thụ hưởng nhiều nhất, bởi hầu hết trình duyệt di động hiện nay mới chỉ hỗ trợ được multimedia một cách hạn chế. Lấy thí dụ, iPhone Safari không xử lý được Adobe Flash, dù cho Flash là công cụ phân phối nội dung video chính trên các nền tảng và trình duyệt.
Nhiều hãng sản xuất hệ điều hành đang tích cực ủng hộ cho HTML5, từ Google cho đến Opera, từ Apple cho tới WebKit. Về phần mình, Microsoft cho biết IE8 sẽ chỉ hỗ trợ một phần của HTML5 mà thôi.
Trọng Cầm(Theo PCWorld)

Nguồn tin: Vietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giấy phép sử dụng NukeViet

Bản dịch tiếng Việt của Giấy phép Công cộng GNU Người dịch&nbsp;Đặng Minh Tuấn <dangtuan@vietkey.net> Đây là bản dịch tiếng Việt không chính thức của Giấy phép Công cộng GNU. Bản dịch này không phải do Tổ chức Phần mềm Tự do ấn hành, và nó không quy định về mặt pháp lý các điều khoản cho các...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập164
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm161
  • Hôm nay19,886
  • Tháng hiện tại575,697
  • Tổng lượt truy cập99,525,872
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây