Đố kỵ với sếp: Hậu quả và giải pháp

Thứ tư - 08/05/2013 22:05
(Dân trí) - Hay ghen tị với những người giỏi và thành công hơn mình, chẳng hạn như cấp trên, là bản tính dễ gặp ở nhiều người. Tuy nhiên, việc đố kỵ với sếp sẽ dẫn tới những hậu quả mà bạn không hề mong muốn.
Đố kỵ với sếp: Hậu quả và giải pháp
“Sự ghen tị là cảm xúc tự nhiên của con người”, bà Judith Orloff, chuyên gia tâm lý thuộc Đại học California, cho biết. Theo chuyên gia này, ghen tị với sếp càng phổ biến, xét tới vị trí, quyền lực mà những ưu đãi mà sếp được hưởng. “Đố kỵ với sếp là chuyện thường, nhất là khi sếp có những thứ mà bạn muốn mà không có được”, bà Orloff nói.

Dưới đây là một số ảnh hưởng về cảm xúc, thể chất và nghề nghiệp mà lòng đố kỵ với cấp trên có thể đem lại cho bạn:

Gia tăng stress: Thường xuyên có cảm giác đố kỵ trong môi trường làm việc có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng đối với bạn, dẫn tới những chứng bệnh về tâm lý và thể chất. “Sự ghen tị làm gia tăng lượng hormon gây stress trong cơ thể bạn”, bà Orloff cho biết. Điều này làm cho hệ miễn dịch của bạn dễ bị tổn thương hơn, bạn dễ bị trầm cảm, lo lắng và kiệt sức.

Khiến bạn mất hết lòng tự tôn: Thường xuyên chú ý tới những sức mạnh của sếp và những điểm yếu của bản thân sẽ khiến bạn mất dần sự tôn trọng đối với bản thân. Chuyên gia Orloff khuyến nghị, không nên để lòng đố kỵ trở thành lý do để bạn tự xem thường mình.

Tê liệt cảm xúc: Nếu lòng đố kỵ với sếp tồn tại âm ỉ trong bạn nhiều năm, hậu quả có thể sẽ là bạn trở nên trống rỗng về cảm xúc và mệt mỏi về thể chất. “Bạn càng đố kỵ lâu, thì tình hình càng tệ, vì điều đó ăn mòn cơ thể và tinh thần bạn”, bà Orloff nói.

Thành công của bạn bị kìm hãm: Sự đố kỵ có thể dẫn tới việc bạn không muốn hợp tác hoặc tìm cách gây trở ngại cho sếp, làm sếp không đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, sự thành công trong công việc của bạn gắn liền với thành công của sếp, nên khi bạn cản trở sếp, cũng chính là lúc bạn tự kìm hãm mình.

Bạn mất khả năng được tăng lương: Cho dù sếp không xác định được chính xác lý do cho những hành động chống lại sếp từ bạn, nhưng sếp hoàn toàn nhận thức được điều đó. Bởi thế, đừng ngạc nhiên khi đề nghị tăng lương của bạn bị gạt sang bên.

Các mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp bị tổn hại: Bạn tưởng như không ai biết bạn ghen ăn tức ở với sếp, nhưng các đồng nghiệp thừa biết điều đó. Họ sẽ cảm thấy mệt mỏi với môi trường làm việc căng thẳng và có thể tìm cách xa lánh bạn.

Còn đây là một số giải pháp để khắc phục lòng đố kỵ của bạn với sếp:

Nói ra với ai đó:Hãy tìm một ai đó mà bạn tin tưởng để kể với họ về việc những cảm giác này đang hành hạ bạn ra làm sao. Đó có thể là một người họ hàng thân thích hoặc một người bạn tốt. Họ có thể giúp bạn tìm ra giải pháp.

Viết ra giấy:Nếu không tìm được người nào tin tưởng để tâm sự, bạn có thể dùng một cây bút và một cuốn nhật ký để viết ra những gì mình nghĩ. Cách này sẽ giúp bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong mình, đồng thời nhận diện mục tiêu của những cảm xúc đó, cũng như xác định cảm xúc đó từ đâu mà tới.

Kiểm soát ý nghĩ:Hãy tiêu diệt lòng đố kỵ bên trong bạn bằng cách chú ý vào những điểm mạnh, những tính cách tốt đẹp và tinh thần làm việc của bạn.

Tránh so sánh bản thân với người khác:Bạn có thể ngưỡng mộ những điểm mạnh của sếp, nhưng không nên sử dụng chúng như một phương tiện để nhấn mạnh những thiếu sót của bản thân. “Mỗi khi bạn so sánh bản thân với người khác, bạn sẽ luôn cảm thấy kém cỏi. Điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn những cảm xúc tiêu cực”, chuyên gia Orloff nói.

Phát triển lòng tự tôn: Tự khẳng định mình không chỉ đến dưới dạng lời nói hay tinh thần khi bạn tự nhủ rằng bạn là người thật tuyệt vời. Ở bên những người tích cực, ăn những thức ăn lành mạnh, tập luyện và dành thời gian nghỉ ngơi cũng là những cách tích cực để bạn xây dựng những cảm xúc tốt đẹp, chuyên gia Orloff khuyến nghị. Tất cả những việc này chỉ nhằm một mục tiêu là giảm sự chú ý vào sếp và đặt sự chú ý tích cực vào bản thân bạn.

Lịch sự với sếp:Từ bỏ lòng đố kỵ không có nghĩa là bạn phải trở thành bạn thân của sếp. Tuy nhiên, bạn cần giữ một thái độ lịch sự và tôn trọng với sếp. Cách này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn trong công việc.

Biến tiêu cực thành tích cực:Hãy rèn luyện sự nghiêm khắc của bạn để thay đổi thái độ và hành vi. “Nếu bạn sử dụng những cảm xúc tiêu cực như một cách để thúc đẩy sự chuyển biến tới những thứ tốt đẹp hơn, thì đó là một bài học tốt”, chuyên gia Orloff nói.

Nghĩ tới việc chuyển chỗ làm việc:Nếu bạn không thể nào vượt qua được cảm giác ghen tị với sếp, hãy tính tới việc chuyển sang một công ty khác. Tuy nhiên, tìm một công việc mới có thể không phải là giải pháp hoàn hảo. Cho dù bạn tìm hướng đi nào, thì điều quan trọng hơn cả là bạn phải đối mặt với vấn đề, thậm chí là tìm kiếm sự hỗ trợ của những nhà chuyên nghiệp, chẳng hạn chuyên gia tâm lý.

Phương Anh
Theo US News

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giấy phép sử dụng NukeViet

Bản dịch tiếng Việt của Giấy phép Công cộng GNU Người dịch&nbsp;Đặng Minh Tuấn <dangtuan@vietkey.net> Đây là bản dịch tiếng Việt không chính thức của Giấy phép Công cộng GNU. Bản dịch này không phải do Tổ chức Phần mềm Tự do ấn hành, và nó không quy định về mặt pháp lý các điều khoản cho các...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay27,802
  • Tháng hiện tại588,518
  • Tổng lượt truy cập98,788,835
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây