Sếp tồi khiến bạn luôn tự hỏi: “Làm thế nào mà ông ta lên được ghế này. Ông ta chẳng có kỹ năng, chiến lược hay kế hoạch gì ra hồn?”
Nhiều cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng, nhà quản lý tồi là một trong những nguyên nhân chính khiến nhân viên bỏ việc. Các chuyên gia về nhân sự và nghề nghiệp đã nói nhiều về chuyện thu hút người giỏi, giữ người tài, làm thế nào để nhân viên làm việc hiệu quả hơn… Tuy nhiên, họ có vẻ như né tránh vấn đề nhà quản lý tồi, những người tìm mọi cách để giữ ghế như nịnh cấp trên trì hoãn việc ra quyết định, và không “nhúng tay” vào công ty việc quản lý thực sự.
Vậy là thế nào để bạn có thể đối phó với một vị sếp tồi? Dưới đây là 6 lời khuyên dành có thể giúp bạn và ê-kíp làm việc “sống khỏe” cho dù phải chịu sự lãnh đạo của một nhà quản lý như vậy:
1. Kìm nén niềm tự hào bản thânMột đặc điểm chung của các sếp tồi là họ thường nhận thành tích về mình trong khi đó là kết quả lao động của cấp dưới. Chẳng có gì tệ hơn khi bạn cố gắng hết mình để hoàn thành công việc, nhưng chỉ ngày hôm sau, sếp copy những gì bạn đã làm và gửi lên cấp cao hơn, và nói đó là những gì ông ta đã làm.
Khi gặp phải tình huống này, tốt nhất bạn hãy giữ im lặng. Việc bạn đòi hỏi được chú ý hoặc được ghi nhận thành tích sẽ không giúp gì cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn. Nếu sếp lúc nào cũng muốn “nhận vơ” thành tích của người khác, hãy tự nhủ thầm với bản thân rằng ông ta thật nhỏ mọn, tầm thường và rốt cục sẽ bị mọi người phát hiện.
2. Trở thành “nhân vật chính” trong nhóm làm việc của bạnCác sếp tồi không mấy khi có mặt trong văn phòng. Nếu bạn nhìn vào một sếp tốt, bạn sẽ thấy sếp thường xuyên xắn tay áo lên vào lãnh đạo nhân viên làm việc. Ngược lại, sếp tồi thường bỏ đi đâu đó và rất khó để liên lạc với ông ta.
Điều bạn nên làm là làm ngược lại với sếp tồi. Hãy trở thành người mà những đồng nghiệp trong nhóm làm việc của bạn tìm đến mỗi khi có việc cần mà lại vắng mặt sếp. Khi các bộ phận khác đề nghị, hãy sẵn sàng giúp đỡ họ. Hãy tìm hiểu để thiết lập quan hệ với mọi người trong công ty. Kết quả của những nỗ lực này là bạn sẽ nhận thấy rằng, nhận thức của mọi người xung quanh về bạn sẽ mạnh lên, và bạn sẽ là người được tìm đến thay vì sếp. Khi đó, sếp sẽ bắt đầu phải phục thuộc vào bạn, thật không thể hoàn hảo hơn!
3. Làm việc với các phòng ban khác nhauTrong những công ty lớn, thường có những dự án với sự tham gia của nhiều phòng ban khác nhau, nhưng sếp tồi của bạn có thể không tham gia. Vì thế, đây chính là cơ hội để bạn nổi lên thành một “ngôi sao” của phòng ban mà bạn đang làm việc. Lợi thế ở đây có rất nhiều. Bạn sẽ học được những sáng kiến mới đầu tiên và đưa về phổ biến tại phòng ban mình. Bạn sẽ có nhiều mối quan hệ hơn và được nhiều người biết tới hơn.
Làm vậy, bạn đã vượt xa hơn mô tả công việc cho vị trí của bạn. Đừng giấu mình trong vỏ ốc, hãy bước lên phía trước vì sếp của bạn không phải là một sếp tốt.
4. Đứng ra giữ mối liên lạc giữa các đồng nghiệpBạn có thể cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức khi trở thành người đứng đầu “bất đắc dĩ” trong ê-kíp làm việc của mình chỉ vì sếp của bạn là sếp tồi. Tuy nhiên, hãy xem đây như một phần trong việc thúc đẩy phát triển sự nghiệp của chính bạn. Hãy nỗ lực tập hợp mọi người họp mỗi lần 1 tuần, đồng thời cũng cần có những cuộc họp hàng tháng để bàn bạc công việc.
Một trong những lý do chính khiến các công ty để mất nhân viên là thiếu sự tương tác đầy đủ với cấp trên. Vì vậy, đừng để việc liên lạc bị gián đoạn mà hãy nhận lấy trách nhiệm liên kết mọi người.
5. Tổ chức thật tốt và sẵn sàng trả lời bất kỳ một câu hỏi nàoTrên các thiết bị di động hiện nay có rất nhiều các ứng dụng giúp bạn tổ chức công việc thật tốt. Hãy chọn một vài ứng dụng trong số đó để sử dụng, bạn sẽ nhận thấy những ích lợi tuyệt vời.
Với cách tổ chức hợp lý, bạn sẽ biết rõ mọi việc đang diễn ra như thế nào. Từ đó, bạn có thể báo cáo chuẩn xác lên sếp để sếp đưa ra được quyết định đúng đắn, đúng lúc, cho dù sếp có là sếp tồi. Bằng cách này, bạn đang hỗ trợ mắt xích yếu nhất trong công ty, và cuối cùng bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của bạn. Không chỉ có vậy, bạn còn giúp những đồng nghiệp khác trong công ty cảm thấy “dễ thở” hơn với sếp tồi.
6. Nhớ rằng ai cũng phải chịu áp lựcNếu bạn phải “làm thay” nhiều việc của sếp như nói ở trên, cũng có thể không phải vì sếp bạn “không ra gì”. Có thể đó là do áp lực quá lớn từ cấp trên của sếp, hoặc sếp bạn đang có chuyện riêng phải giải quyết. Ai cũng phải chịu áp lực từ một ai đó, và ai cũng có sếp của mình.
Vì thế, hãy thể hiện sự hỗ trợ, đưa ra các giải pháp thay vì câu hỏi, và chủ động với công việc thay vì chỉ phản ứng. Nếu bạn thiết lập được mối quan hệ tốt với các phòng ban trong công ty, tổ chức tốt công việc và nắm bắt mọi chuyện đang diễn ra ở phòng ban mình, bạn sẽ nhận thấy làm việc với một sếp tồi không có gì là khó.
Phương Anh
Theo Brazen Careerist