Chăn tên miền Internet

Thứ năm - 12/01/2006 07:41

Trung tâm Internet VN VNNIC - nơi đăng ký tên miền chính thức.

Trung tâm Internet VN VNNIC - nơi đăng ký tên miền chính thức.
Không hẳn là một nghề kinh doanh nhưng rõ ràng sự lơi lỏng trong quản lý, sự chậm chân của các DN đã tạo nên một “thị trường ảo” nhưng lợi nhuận thật dành cho những “thợ săn” và chăn (nuôi) tên miền. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Chăn tên miền” như là một cảnh báo cần lưu ý cho các DN trẻ trong quá trình khởi nghiệp.
Ngồi giở danh bạ điện thoại tìm tên các công ty lớn, chép lại tên các sản phẩm đang được quảng cáo rầm rộ trên truyền hình - đó là công việc thường nhật của T. Khi đã “chấm” được một cái tên, khâu tiếp theo là tìm hiểu thông tin về nhu cầu quảng bá sản phẩm đó lên mạng.

Thấy tiềm năng, T. quyết định “đầu tư”: vác cặp đến Trung tâm Quản lý Internet VN (WNNIC) làm thủ tục đăng ký tên miền. Mất vài trăm ngàn nhưng chỉ vài tháng sau, tay “thợ săn” mạng cao cấp này đã có thể bán được tên miền với giá hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn USD!

Săn tên trên mạng

Bằng mọi cách liên lạc, đến 11 giờ ngày 12-9-2005 tôi mới gặp được Hùng, người sở hữu địa chỉ www.giaoluuvanhoa.com.vn. Đăng ký một tên miền ở VN chỉ tốn khoảng 100 USD nhưng trang web trắng trên (chỉ có tên miền được kích hoạt, chưa có thông tin) Hùng hét giá 2.700 USD.

Mặc cả một hồi, chàng trai đeo kính cận dày cộp khẳng định: “Tên miền này chắc chắn một tổ chức văn hóa sẽ cần nên ít nhất 1.200 USD mới bán”. Khi tôi kêu đắt, Hùng bỏ đi ném lại một câu giáo hóa: “Ông chẳng biết gì, địa chỉ www.henho... tôi bán rẻ cho một hội Việt kiều còn được 10.700 đô”.

Tháng 6-2005, có ba thanh niên lịch sự tìm đến VNNIC xin đăng ký 20 tên miền theo nhãn hiệu hàng loạt loại xe hơi đang nổi tiếng ở VN: www.toyota.com.vn; www.isuzu.com.vn; www.camry.com.vn; www.escape.com.vn; www.laser.com.vn; www.lexus.com.vn... Theo nguyên tắc “ai đến trước cấp trước” đã thành thông lệ thế giới, VNNIC sẽ phải cấp tên miền cho họ.

Nhưng thấy có khả năng “bùng nổ” tranh chấp nên thay vì cấp ngay, VNNIC đăng thông cáo trên trang web của trung tâm, đồng thời báo cho các hãng Toyota, Ford. Trong thời hạn “treo” qui định ba ngày, rất may các công ty xe hơi đã nhanh chóng đem hồ sơ có sở cứ rõ ràng hơn những người “nhanh chân” kia và được cấp những tên miền trùng với tên sản phẩm của mình.

Trên thế giới, “săn” tên miền từ lâu đã là nguồn sống của nhiều “cao thủ”. Vụ làm ăn đình đám nhất năm 2004 của giới này là khi tập đoàn kinh doanh thẻ tín dụng ClickSuccess sau một thời gian dài kiện tụng đã phải bỏ ra đến 2,75 triệu USD mua lại địa chỉ CreditCard.com, trong khi kẻ nhanh chân chỉ phải bỏ ra chưa đến 200 USD để có được địa chỉ đó.

Lợi nhuận kiểu này khó một nghề kinh doanh nào kiếm được. Vì vậy, thật dễ hiểu “chăn” tên miền trên Internet đã thành một nghề hứa hẹn.

Tại VN đã có không ít người kiếm được tiền nhờ thủ thuật “săn” công nghệ cao này. Và độ chuyên nghiệp của các “thợ săn” Việt cũng đang lên thấy rõ. Chẳng khó khăn gì, chỉ cần vào trang raobandomain.com, raobantenmien.com, hàng loạt địa chỉ thuộc đủ lĩnh vực: kinh tế - thương mại, y tế - sức khỏe, giáo dục - đào tạo của VN sẽ lần lượt hiện ra: nhadathanoi.com.vn, muabanraovat.com.vn: 500 USD; chungkhoanvn.com.vn, vinhlongcity.org.vn: 1.000 USD; www.thongtinkhuyenmai.com 2.000 USD; www.nonbo.net 5.000 USD; vietnambasafish.com 10.000 USD, www.gioithieusanpham.com.vn 300 USD, www.daihocktqd.com 2.050 USD, www.tudien.com: 100.000 USD, www.business.com: 8 triệu USD... Thậm chí địa chỉ www.beertiger.com cũng đang được rao bán 50.000 USD và mới đây trang www.trungnguyen.com cũng được rao bán ngày 6-9-2005 với giá 30.000 USD!

Tại trang raobandomain.com, báo Tuổi Trẻ cũng bị “khai thác” khi một cá nhân bên Mỹ đã đăng ký địa chỉ: www.tuoitrecuoi.com và rao bán với giá 100.000 USD. Song “sốc” nhất là địa chỉ www.duhoconline.com, chủ sở hữu địa chỉ này đã không ngần ngại đưa ra giá 2.147.480 USD với ghi chú: có thể thỏa thuận. Riêng trang raobandomain.com đã có 1.403 địa chỉ đủ loại như vậy rao bán!

Tài nguyên và tranh chấp

Khi cần lập trang web, ai cũng muốn xin được tên miền đơn giản, dễ nhớ, nhất là phải trùng với tên công ty mình. Nhưng những tên miền phổ biến thì nhiều người thích, vô tình đăng ký trước, hoặc đã bị các tay “săn domain” chiếm mất.

Hồ sơ trình lên VNNIC cái nào cũng hợp lý. Như Công ty Việt Thành Development Consultaicy đăng ký địa chỉ www.vdc.com. Đúng là khi lấy những chữ cái đầu ghép lại thì ra chữ VDC. Hay một công ty có giấy đăng ký kinh doanh tư vấn luật pháp xin địa chỉ www.law.com.vn. Rồi www.visa.com.vn thì một công ty lữ hành, chuyên làm visa cho khách du lịch ở TP.HCM đăng ký...

Với những sở cứ đó, sau khi đăng thông tin trên mạng đủ ba ngày mà không có khiếu nại, VNNIC theo qui định buộc phải cấp tên miền. Thế là rất nhiều rắc rối đã xảy ra khi nhiều công ty luật khác cũng đến đăng ký tên miền www.law.com.vn.

Rắc rối hơn nữa khi Công ty Visa chuyên cung cấp thẻ tín dụng nổi tiếng thế giới khiếu nại “VISA là thương hiệu đăng ký bảo hộ và nổi tiếng trên toàn thế giới nên địa chỉ www.visa.com.vn phải là của chúng tôi”!
Sự vụ có nguy cơ phát sinh thành vụ kiện khi Visa quyết định thuê Công ty Luật Phạm và Liên danh đứng ra đòi quyền lợi. Cuối cùng, sự việc chỉ kết thúc êm thấm sau khi Công ty Visa Card chấp nhận trả cho công ty du lịch một khoản tiền (không được tiết lộ là bao nhiêu).

Song, không phải trường hợp “trả lại tên cho em” nào cũng thuận lợi như vậy. Ngay khi có đơn của một cá nhân tên Lý Gia Khang đăng ký tên miền www.IBM.com.vn, Trung tâm Internet VN đã gửi hẳn văn bản cho Công ty IBM VN. Nhưng công ty này chần chừ không đăng ký. Đến khi thương hiệu trên mạng được trao người khác thì tranh cãi bắt đầu.

Những cao thủ “chăn” tên miền

Khang - một tay săn domain khá thành danh ở Hà Nội với khả năng cảm nhận “tài nguyên domain” từ thời sinh viên - chỉ quay vòng: “chộp” tên miền có đuôi “.com.vn” bán cho các công ty nước ngoài vào VN, đăng ký tên miền đuôi “.com” hoặc “.net” bán cho công ty VN muốn quảng bá ra nước ngoài. Từ một thanh niên tỉnh lẻ, giờ Khang đã mua được nhà Hà Nội, cưỡi chiếc SH mới cóng vi vu hết quán cà phê này sang quán cà phê khác suốt ngày.
Qua những dòng rao bán trên mạng, tôi quen T. Dù mới tốt nghiệp Đại học Bách khoa được ba năm nhưng kinh nghiệm của T. đã rất khá trong lĩnh vực săn địa chỉ trên mạng. T. cho rằng thần tượng của mình là Rick Schwartz - một “cá mập” được phong danh hiệu Domain King (vua tên miền).

Năm 2004 Schwartz bán www.men.com với giá 1,32 triệu USD cho một nhà đầu tư, gấp 88 lần số tiền ông bỏ ra để sở hữu và phát triển nó thành một cổng điện tử dành riêng cho đàn ông. Cũng bằng cách đó chỉ mấy năm, Schwartz đã là chủ một gia tài chục triệu USD.

Theo T., “ở nước ngoài họ làm bài bản lắm, mình không có vốn thành ra nghề này cứ đi chụp giật”. T. nói với tôi anh khát khao biến cái nick name “Domain Hunter” mà bạn bè đặt cho mình thành niềm tự hào thật sự trong vài ba năm tới. “Chỉ cần kiếm được vài cú là có tiền ngay, lúc đó mình sẽ phát triển tên miền thành một thương hiệu rồi mới đem bán, thế mới làm “vua” được”...

Điều nói thêm cho các doanh nghiệp

Thật sự tên miền chưa được các doanh nghiệp chú ý không hẳn vì “vừa thoát đói, chưa ai dám nghĩ mua xe hơi”, mà còn vì chưa hiểu hết sự cần thiết trong giao dịch. Chính vì vậy theo tiết lộ của tay “thợ săn” tên miền khá nổi ở Đại học Bách khoa trên thì tại VN tài nguyên tên miền nhiều lúc bị coi rẻ đến mức “ngớ ngẩn”. Muốn được cấp tên miền chỉ phải đóng phí cài đặt 450.000đ và mỗi năm đóng phí duy trì 480.000đ nữa.

Tuy nhiên, cũng có công ty đầu tư cả trăm triệu đồng lập trang web, hào phóng đóng phí liền ba năm, lập cả một phòng kỹ thuật cập nhật thông tin nhưng đến năm thứ tư thì lại “quên”. VNNIC gửi công văn đến, phòng kỹ thuật chuyển phòng tài chính, phòng tài chính nhiều việc nên quên.

Có công ty đưa lên giám đốc thì ông này bận việc để lẫn trong đống hồ sơ. Hết hạn 50 ngày, Trung tâm Internet VN theo qui định sẽ cắt. Thế là trang web sập, toàn bộ địa chỉ email của trang cũng mất luôn. Các tay “thợ săn” mừng húm vì “vớ được cú thế này thì làm một ngày ăn chơi cả năm không hết”.

Ông Trần Minh Tân, phó giám đốc Trung tâm Internet VN, thừa nhận có hiện tượng một số công ty quên trả phí duy trì và khuyến cáo: “Đã mất tiền phát triển trang web, nếu để bị cắt và người khác đăng ký luôn thì sẽ rất... mệt mỏi”!

Mặc dù các vụ giao dịch mua bán tên miền tại VN vẫn ở dạng thỏa thuận do pháp luật cấm đầu cơ, nhưng đã xuất hiện kiểu làm ăn chuyên nghiệp hơn. Thay vì đăng ký tên miền để đấy, vốn bị “ngâm”, các “thợ săn” phát triển một số tiện ích rồi mời các công ty có liên quan hoặc thích thú đến để “chuyển nhượng”.
-----------------------
(Tuổi trẻ Chủ nhật)

Nguồn tin: escvn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Yêu cầu sử dụng NukeViet 4

1. Môi trường máy chủ Yêu cầu bắt buộc Hệ điều hành: Unix (Linux, Ubuntu, Fedora …) hoặc Windows PHP: PHP 5.4 hoặc phiên bản mới nhất. MySQL: MySQL 5.5 hoặc phiên bản mới nhất Tùy chọn bổ sung Máy chủ Apache cần hỗ trợ mod mod_rewrite. Máy chủ Nginx cấu hình các thông...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay28,767
  • Tháng hiện tại448,843
  • Tổng lượt truy cập98,649,160
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây