Mua đồ hi-tech cũ, đến thợ cũng bị lừa!

Thứ tư - 11/02/2009 20:56

Màn hình laptop hỏng đôi khi thấy rõ cả một vệt màu thế này nhưng có khi chỉ là một vài pixcel.

Màn hình laptop hỏng đôi khi thấy rõ cả một vệt màu thế này nhưng có khi chỉ là một vài pixcel.
"Đừng bao giờ nhận đi mua đồ công nghệ cũ hộ người quen nếu chưa xác định rõ tư tưởng" - đó là lời khuyên được những “chuyên gia” săn đồ cũ đúc kết sau những kinh nghiệm “xương máu” của mình.
“Nói thẳng ra, mua đồ điện tử kiểu “ngon, bổ, rẻ” thì chỉ có “may hơn khôn”, không ai dám nói chắc chắn điều gì về chất lượng của chúng được - kể cả thợ”, anh Hưng - một phóng viên công nghệ tại Hà Nội - khẳng định.

Dù toàn bộ vật dụng từ máy tính, laptop, điện thoại cho đến máy ảnh số, ống kính của anh hoàn toàn không có đồ mua mới từ “chính hãng”, tất cả là đồ second-hand (đồ đã qua sử dụng) hoặc hàng xách tay. Nhưng sau vài lần làm "chuyên gia", anh không dám nhận lời đi mua cùng hoặc “xem hàng” hộ bạn bè, người thân nữa.

Một trong những kinh nghiệm “xương máu” của anh Hưng là một lần đi mua điện thoại cho… bố vợ. Năm 2006, nhạc phụ anh nổi hứng rất thích chiếc Samsung T400 nhưng chiếc máy này đã ngừng sản xuất. Nhờ ông bạn thân có cửa hàng điện thoại để ý tìm hộ, cuối cùng anh cũng kiếm được 1 chiếc “hàng trưng bày” đang lưu lạc. Vận dụng toàn bộ kinh nghiệm để săm soi chiếc điện thoại đã 4 năm tuổi, anh và ông bạn cảm thấy ưng sau cả buổi chiều ngồi săm soi.

Duy nhất một điều là cả 2 đều không mang đồ để mở máy, mà anh Hưng cũng không muốn làm rách chiếc tem FPT xinh xinh ở con ốc. Về được vài ngày thì cái sạc bắt đầu dở chứng. Anh khẩn trương cầu cứu ông bạn một chiếc sạc khác cho bố vợ. Nhưng dùng sạc mới thì cả ngày cũng không đầy, mà rút ra cũng chỉ được khoảng 1 ngày là pin lại hết. Một lần nữa anh lại phải cầu cứu ông bạn. Sau vài lần thì đâu cũng vào đấy, ông cụ không nói gì nhưng cũng mất hào hứng thấy rõ. Vợ lại “chỉnh” thêm câu: “Anh làm công nghệ, lại mua đồ cũ bao lâu rồi mà không chọn được cho bố cái tử tế”.

Cũng rắc rối với chọn mua đồ số nhưng anh Tuyển (Thái Hà, Hà Nội) lại gặp trục trặc với laptop. Vốn là thợ sửa máy tính nhiều năm, anh được cô bạn thân nhờ mua 1 chiếc laptop cũ để tiện làm việc. Yêu cầu đặt ra là: rẻ tiền, nhỏ nhẹ, cấu hình vừa đủ chạy các ứng dụng văn phòng, chat và email là chính.

Sau một tuần tìm kiếm thì anh cũng kiếm được 1 chiếc IBM X41 ngon lành cho cô bạn với giá 6 triệu đồng. Chỉ có điều là chiếc máy này sử dụng bàn phím tiếng Pháp và Windows tiếng Pháp vì là hàng xách tay. Vốn kiến thức mỏng của cô sinh viên mới ra trường khiến chiếc máy lúc nào cũng trong tình trạng đầy virus lây qua cổng USB. Thế là lại ậm ạch cài đi cài lại máy. Dòng máy này lại không có sẵn ổ CD nên mỗi lần cài lại thì lại phải tháo ổ cứng. Mà cài phần mềm diệt virus thì giảm hiệu năng máy tính đi nhiều, cô bạn cũng chẳng biết cập nhật như thế nào.

Sau  2 tháng "người xót của, kẻ tốn công" với chiếc X41 được, Tuyển bấm bụng cho cô bạn vay thêm tiền đổi máy tính mới "cho lành".

Thợ cũng bị lừa

Không riêng người dùng, ngay cả thợ sửa đôi khi cũng vớ phải những món "hàng lởm" ngay tại cửa hàng khi mua đồ trôi nổi. Hán Thanh Quang (Hà Nội) kể về một lần "lừa thợ" ngay tại cửa hàng hơn 1 năm trước. Khi đó, anh có 1 chiếc điện thoại O2 Atom. Sau vài lần rơi khá mạnh thì bị "chết" cảm ứng ở nửa màn hình dưới.

Khi mang ra cửa hàng để sửa, thợ thay 3-4 miếng cảm ứng khác vào mà vẫn không sửa được bệnh "liệt nửa người". Sinh nghi, tay thợ thay tấm cảm ứng cũ trên máy của anh vào một chiếc khác của cửa hàng thì vẫn hoạt động bình thường. Vậy là kết luận: không phải do cảm ứng mà là do mạch điều khiển. Thay tấm cảm ứng là bệnh thông thường của O2, sửa chỉ hết khoảng 150 nghìn đồng. Nhưng động chạm vào mạch là vấn đề lớn, có khi đến 500-600 nghìn đồng mà vẫn không đảm bảo, hiệu ứng dây chuyền có thể gây hỏng lan sang các thiết bị khác.

Tay thợ nói: "Tóm lại là máy của anh chỉ bán được cho thợ chứ không bán được cho người dùng. Nếu muốn bán được giá thì để em bày cách cho". Quang đồng ý,  tay thợ rỉ tai bày mưu kế. Vậy là chiếc Atom được tên thợ bí mật cắt bớt 2 dây điều khiển cảm ứng, ngụy trang lại cho giống bị đứt. Toàn bộ mạch điện trên mainboard không bị đụng chạm gì.

Quang cầm chiếc điện thoại đến cửa hàng ĐTDĐ khác trên phố Thái Hà hỏi chữa cảm ứng. Bệnh này phổ biến nên cửa hàng này nhận sửa ngay. Đợi đến khi thợ vừa mở máy để định thay tấm cảm ứng, Quang mới phàn nàn chê bai điện thoại O2 rắc rối và nhanh hỏng, tỏ ý muốn đổi điện thoại khác và bán chiếc đó cho cửa hàng. Thỏa thuận đạt được rất nhanh chóng. Chủ cửa hàng kiểm tra cuộc gọi, sạc điện, loa,... không thấy vấn đề gì ngoài bệnh "liệt nửa người" do cảm ứng bèn phát giá 1,8 triệu đồng trong khi giá 1 chiếc Atom cũ ngoài thị trường ở mức trên 2,2 - 2,5 triệu đồng. Quang phàn nàn mặc cả lên xuống một chút rồi cũng gật đầu. Thế là giao dịch xong. 

"Rồi thì cái điện thoại đó lại được sửa sang tân trang để bán lại cho khách thôi, chẳng cửa hàng nào chịu thiệt cả. Nhưng mà đến thợ còn bị lừa thì người dùng cứ mãi mãi là gà", Quang nói.

Đỏ đen mua đồ cũ

Điều khó nhất khi đi mua đồ điện tử trôi nổi là xác định chính xác mức độ còn lại của sản phẩm. Nhưng người mua lại chỉ được xem qua loa bên ngoài chứ không được mở máy ra để xem tận mắt linh kiện bên trong nên xác suất rủi ro là không thể tránh khỏi.

“Khi mua laptop, bạn cũng chỉ có thể xem được: vỏ xước thế nào, có vết nứt vỡ gì không, xác định mức độ cũ/mới của máy qua độ mờ của bàn phím, màn hình LCD có chỗ nào bị thâm hay có điểm chết không, đinh vít có vết mở chưa, tiếng ổ cứng chạy, tiếng quạt gió có êm không, v.v… Nhưng khi yêu cầu cửa hàng mở máy để xem có vết hàn không, bo mạch bị thay hoặc bị đổi màu chưa thì đừng hòng”, anh Hưng nói. “Bản thân tôi khi mua đồ cũng xác định là mua hàng cũ thì phải chịu rủi ro”.

Lý do mà cửa hàng từ chối mở máy cho khách xem rất hợp lý: Mất “zin” của máy. Nhưng chính những cái đó mới quyết định cái máy laptop đó có tốt hay không. Thậm chí có phải là “hàng dựng” (hàng lắp ráp từ những linh kiện còn hoạt động từ nhiều máy hỏng) hay không.

"Những món đồ "ngon, bổ, rẻ" thực sự rất hiếm đến được tay người mua", anh Tuyển nói. "Hàng cũ thường tiềm ẩn một lỗi gì đó khiến chủ cũ phải đổi, kể cả các loại hàng được dán mác trưng bày, đổi trả (refurbish) nhập từ nước ngoài. Quan trọng là mình phát hiện đó là cái gì và có sống chung với nó được hay không thôi".

Nguồn tin: Vietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giấy phép sử dụng NukeViet

Bản dịch tiếng Việt của Giấy phép Công cộng GNU Người dịch&nbsp;Đặng Minh Tuấn <dangtuan@vietkey.net> Đây là bản dịch tiếng Việt không chính thức của Giấy phép Công cộng GNU. Bản dịch này không phải do Tổ chức Phần mềm Tự do ấn hành, và nó không quy định về mặt pháp lý các điều khoản cho các...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập249
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm246
  • Hôm nay17,997
  • Tháng hiện tại130,941
  • Tổng lượt truy cập98,331,258
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây