AP: CIA theo dõi các mạng xã hội

Chủ nhật - 06/11/2011 23:28
Ngày 4-11, hãng thông tấn AP của Mỹ cho biết từ lâu nay, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thực hiện việc theo dõi các bài viết của người dùng các mạng xã hội như Tweeter hay Facebook trên khắp thế

Từ tiếng Ả-rập cho tới tiếng Trung Quốc phổ thông, từ những tweet bày tỏ sự giận dữ cho tới những bài viết suy tư trên blog, đều được các nhà phân tích của CIA sử dụng để thu thập các thông tin, thường là sử dụng ngôn ngữ bản địa...

Theo AP, hằng ngày, tại một khu công nghiệp vô danh ở bang Virginia (Mỹ), các nhân viên của CIA liên tục theo dõi các bài viết ngắn mà người dùng đăng trên Twitter (được gọi là tweet), với số lượng lên tới khoảng năm triệu bài mỗi ngày.

Tại tòa nhà này, còn được gọi là Trung tâm Nguồn thông tin Mở của CIA, một nhóm nhân viên khác cũng đang mải mê nghiên cứu các trang Facebook, báo chí, các kênh tin tức truyền hình, đài tiếng nói, các phòng tán gẫu trên mạng Internet, bất cứ thứ gì ở nước ngoài mà ai cũng có thể truy cập và tham gia một cách cởi mở.

Họ so sánh chéo những thông tin này với các tờ báo địa phương hoặc các cuộc đàm thoại mà họ nghe lén được qua điện thoại. Từ đó, họ vẽ ra một bức tranh cho các quan chức cao cấp nhất ở Nhà Trắng biết được trong một khoảng thời gian ngắn nhất về các vấn đề, thí dụ như thái độ của một vùng nào đó sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị lực lượng Navy SEAL tiêu diệt, hay có thể là một dự báo xem tình hình ở quốc gia nào thuộc khu vực Trung Đông đã chín muồi cho sự nổi dậy.

Trả lời phỏng vấn của AP, ông Doug Naquin, Giám đốc Trung tâm cho biết, các nhóm làm việc này có thể dự đoán được sự nổi dậy ở Ai Cập, họ chỉ không biết được chính xác được thời điểm mà  cuộc cách mạng nổ ra. Ông này khẳng định trung tâm của ông đã từng dự báo được là “các mạng xã hội tại các quốc gia như Ai Cập có thể sẽ trở thành một yếu tố then chốt và là một mối đe dọa cho nhà cầm quyền”. Các quan chức CIA nói rằng đây là lần đầu tiên một phóng viên được cấp phép thực hiện một cuộc tham quan vào những địa điểm của họ.

Trung tâm Nguồn thông tin Mở của CIA được thiết lập theo khuyến cáo của Ủy ban 11-9, với ưu tiên hàng đầu là tập trung chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên, phạm vi theo dõi của các nhà phân tích thuộc trung tâm này là rất rộng, từ việc truy cập mạng Internet ở Trung Quốc cho đến phản ứng trên đường phố ở Pakistan. Trong khi hầu hết các nhà phân tích tập trung ở Virginia, họ còn làm việc rải rác trên khắp nước Mỹ, các đại sứ quán của nước này ở trên khắp thế giới để có thể tiếp xúc gần gũi hơn với những đối tượng mà họ theo dõi.

Ông Naquin cho biết, những người có bằng cấp cao về khoa học thư viện và thạo nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là những người lớn lên với một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh sẽ “là một sĩ quan khai thác các nguồn tài nguyên mở rất giỏi”.

Trung tâm này bắt đầu tập trung vào các mạng xã hội sau khi theo dõi các tác động của mạng Twitter tới chính quyền Iran trong cuộc Cách mạng Xanh vào năm 2009, khi hàng nghìn người phản đối kết quả cuộc bầu cử đã đưa ông Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Iran trở lại chiếc ghế quyền lực. Ông Naquin nói: “Từ trước tới nay, tiếng Ba-tư là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ ba trong các mạng xã hội trên Internet”.

Hầu như ngày nào cũng vậy, các phân tích của trung tâm, theo cách này hay cách khác, cuối cùng đều được đưa vào các bản tin tình báo tóm tắt gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt ở Pakistan vào tháng 5-2011, CIA đã theo dõi Twitter để cung cấp cho Nhà Trắng một tổng hợp về quan điểm của công chúng trên khắp thế giới.

Do không thể xác định được các tweet theo các vùng địa lý cụ thể, các nhà phân tích chia chúng theo các ngôn ngữ. Kết quả là: phần lớn các tweet sử dụng ngôn ngữ Urdu, ngôn ngữ của Pakistan, và các tweet tiếng Trung, đều có nội dung tiêu cực. Trung Quốc là đồng minh thân cận của Pakistan. Các quan chức Pakistan phản đối vụ ám sát bin Laden của Mỹ và coi đó là như một vụ xâm phạm chủ quyền nước này và hiện nó vẫn còn là một yếu tố làm phức tạp hóa quan hệ Mỹ - Pakistan.

Một vài tuần sau cuộc đột kích, khi Tổng thống Mỹ B.Obama thực hiện bài phát biểu của ông về các vấn đề Trung Đông, các tweet có nội dung phản ứng tiêu cực trong vòng 24 giờ sau đó lại đến từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Algeria, các nước vùng Vịnh và Israel, với các tweet sử dụng tiếng A-rập và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Obama thiên vị Israel, và các tweet tiếng Do Thái thì lại lên án bài phát biểu là thân Ả-rập.

Trong vòng vài ngày tiếp theo, các phương tiện thông tin đại chúng lớn, cũng như các phân tích mà các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra dựa trên các thông tin mà họ thu được trong khu vực, cũng đưa ra kết luận tương tự.

Trung tâm này còn thực hiện việc so sánh kết quả phân tích qua các mạng xã hội với các kết quả khảo sát của các tổ chức thăm dò ý kiến, để xem kết quả nào chính xác hơn.

Ông Naquin thừa nhận rằng, chỉ một phần nhỏ dân số tại rất nhiều khu vực mà CIA giám sát là có thể truy cập máy tính và mạng Internet. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng việc truy cập vào các mạng xã hội qua điện thoại di động đang phát triển tại các khu vực như châu Phi, nghĩa là số người thực tế có các phản ứng qua mạng xã hội có thể sẽ lớn nhiều nếu chỉ tính qua số lượng người đăng ký truy cập Internet trong một quốc gia nhất định.

Các website như Facebook và Twitter còn là một nguồn thông tin quan trọng để theo dõi những cuộc khủng hoảng có diễn biến nhanh, thí dụ như vụ bạo loạn tại Băng Cốc hồi tháng 4 và tháng 5-2010, vị phó giám đốc trung tâm cho biết. Tên của quan chức này không được AP tiết lộ vì hiện ông này thỉnh thoảng vẫn phải thực hiện những nhiệm vụ bí mật ở nước ngoài.

Là Giám đốc Trung tâm, ông Naquin được công khai trước báo chí mặc dù địa điểm của trung tâm được giữ bí mật để tránh bị tấn công.

Còn vị phó giám đốc là một thành viên trong một nhóm 20 quan chức chính phủ Mỹ tham gia bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Băng Cốc trong suốt thời gian diễn ra các cuộc phá hoại của người chống đối trên đường phố, giúp di chuyển các đại sứ quán lân cận và những quan chức ngoại giao Mỹ bị mắc kẹt tại nơi ở của họ.

Khi quân đội bắt đầu nhúng tay vào, tin tức trên các phương tiện thông tin truyền thống bắt đầu trở nên nhỏ giọt bởi các phóng viên địa phương hoặc đang bị mắc kẹt hoặc bị đe dọa không được đưa tin.

“Nhưng chỉ trong vòng một giờ, tất cả mọi tin tức đều xuất hiện trên lên Twitter và Facebook”, vị phó giám đốc trung tâm cho biết. Nhân viên CIA liên tục theo dõi trên trang của 12 đến 15 người dùng đang liên tục đưa lên các bản tin thông báo tình hình và các bức ảnh chụp bằng điện thoại về các cuộc biểu tình. Họ sau đó đối chiếu các bản tin này với các tin tức được đưa một cách hạn chế để xem xét xem trong số đó, đâu là nguồn tin đáng tin cậy. Những người dùng tham gia Tweeter cũng tự giám sát lẫn nhau và chỉ ra đâu là tài khoản không đáng tin cậy.

Ông nói: “Việc này giúp chúng tôi thu hẹp xuống chỉ còn khoảng hơn mười nguồn tin có thể tin cậy được”.

Cuối cùng, có khoảng hai phần ba số bản báo cáo được gửi về các cơ quan chính phủ Mỹ ở Washington là có nguồn gốc từ các bản phân tích các nguồn thông tin mở của CIA trong suốt cuộc bạo loạn.

Theo Nhandan

Nguồn tin: http://www.ictnews.vn

 Tags: các, mạng, dõi, theo, , hội, ap, cia

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Giới thiệu về NukeViet

Giới thiệu khái quát NukeViet là một ứng dụng trên nền web có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Phiên bản đang được phát hành theo giấy phép phần mềm tự do nguồn mở có tên gọi đầy đủ là NukeViet CMS gồm 2 phần chính là phần nhân (core) của hệ thống NukeViet và nhóm chức năng quản trị nội...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập172
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm170
  • Hôm nay24,742
  • Tháng hiện tại196,382
  • Tổng lượt truy cập94,345,046
Left-column advertisement
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây