Mua một tên miền không còn là một việc quá khó với dân tạo web nữa. Có lẽ một phần vì đời sống xã hội đã được nâng cao và giá mua tên miền đã xuống mức bình dân, vừa đủ để bất cứ ai mê tạo web có thể “làm giấy khai sinh cho đứa con tình thần của mình”. Nhưng lý do quan trọng nhất mà dân tạo web đã thấm thía. Đó là cái sự được và mất giữa cái có phí và miễn phí. Khách hàng cũng đã rõ điều này, nhà cung cấp đã nắm bắt được điều này, và vì thế tên miền có phí đã lên ngôi.
Tôi đã nghe nói đến việc tranh chấp tên miền, đầu cơ tên miền qua nhiều bài báo. Tuy nhiên, chỉ khi vào cuộc, tôi mới cảm nhận được không khí âm thầm nhưng không kém phần sôi động của thị trường tên miền. Ba ngày đi mua tên miền là 3 ngày tôi đã lo lắng đến “mất ăn mất ngủ” để mua được tên miền ưng ý.
Tên miền .vn - ước mơ xa vời.
Trước đây, người ta chỉ nói đến việc đầu cơ tên miền quốc tế .com .net .org, nay nghe nói dân đầu cơ chuyển hướng sang tên miền .vn tôi lại cứ tưởng rằng tên miền .vn rẻ lắm. Ai dè mua một tên miền .vn đã mất vài chục “đô”, chưa kể phí duy trì hàng năm cũng không ít.
Mặc dù vậy tôi vẫn gắng tìm hiểu dịch vụ này. Qua nhiều Website bán tên miền tôi được giới thiệu mức giá vô cùng ưu đãi với tiền tính bằng “đô”, quy ra “đồng” cũng phải 4 - 5 trăm ngàn. Sinh viên như tôi chỉ có nước mà … đứng nhìn.
Quái lạ, hàng nội sao mà đắt hơn cả đồ ngoại. Tôi đến trang chủ của đơn vị quản lý tên miền Việt Nam là VNNIC, lại thấy thông báo cung cấp tên miền cấp 2 .vn cho các công ty & cơ quan chính quyền địa phương. Ngó qua danh sách chờ cấp phát tên miền thấy ngoài các công ty còn có cả các cá nhân đăng ký mua tên miền. Mà không chỉ một, hai hay ba cái. Có người, có công ty còn mua hàng chục tên miền. Đâu chỉ có tên sản phẩm, tên công ty mình, mà họ còn đăng ký tên của người khác, sản phẩm và dịch vụ khác. Ôm đồm và hỗn độn đủ lĩnh vực. Đắt khách nhất là tên miền thuộc lĩnh vực: kinh doanh, giải trí và … tình yêu.
Đem thắc mắc của mình hỏi một người bạn, cũng từng là một tay săn tên miền. Cậu ta cho biết hầu hết các tên miền hiện nay được mua để đầu cơ. Ít đơn vị mua để xây dựng và phát triển Website cho mình. Nghe nói còn có cả một công ty luật nổi tiếng cũng tham gia vụ đầu cơ béo bở này. Chắc hẳn họ lách luật giỏi lắm nên đã mua được không ít tên miền và còn định kiện cáo đơn vị chủ quản tên miền Việt Nam vì tội không bán tên miền cho họ nữa.
Tôi đi đến kết luận rằng: ngoài những công ty làm ăn, chỉ có dân đầu cơ mới chịu khó mua tên miền .vn. Còn dân làm Web nghiệp dư như tôi, chẳng mấy ai có đủ sức vì chỉ riêng việc nuôi sống niềm đam mê CNTT đã đủ làm rỗng túi tôi rồi.
Tên miền quốc tế .com .net – không còn nhiều.
Biết không thể nào đủ tiền mua tên miền trong nước, tôi quay sang chọn mua tên miền quốc tế, lòng tự an ủi: tên miền dù rẻ nhưng cũng là của Quốc tế chứ kém gì.
Nhưng quả thật, thị trường tên miền Quốc tế cũng nhộn nhạo không kém, giá phổ biến khoảng 9-10$/năm. Các đại gia lớn như Pavietnam, … chất lượng đã được khẳng định, việc giảm giá tên miền gần như là điều không tưởng. Trong khi đó để cạnh tranh, nhiều công ty mới ra đời đã thực hiện những “kế sách” đặc biệt. Một trong những kế sách được áp dụng là thả con săn sắt bắt con cá rô.
Tìm trên Google tôi thấy một công ty ở VN quảng cáo bán tên miền chỉ có giá 3.99$ (chẳng hiểu sao các cty bán tên miền lại thích .99 thế, mặc dù quy ra tiền “đồng” rồi làm tròn thì có khi lên tới trên 4$) Tôi thật sự bị sốc và lập tức liên hệ ngay với cty này. Thư gửi về cho biết họ chỉ khuyến mại giá này trong năm đầu tiên. Không sao, hiện tôi đang cần mua cho trang Web mới, sang năm sẽ tính sau. Thế là tôi mất trọn một ngày để suy nghĩ, nửa ngày nữa để lựa chọn, tìm kiếm, kiểm tra tên miền. Tôi nhận ra rằng tất cả các tên miền hay đều đã được mua hết. Đẹp thì đã hết đủ các loại “chấm”. Khá một tí thì còn .info. Bao giờ người ta cũng ưu tiên theo thứ tự: .com, .net, .org, cuối cùng mới đến các tên miền khác là .info, .us, .ws. Những tên miền xoay quanh chữ Việt Nam hoặc vn thì đã bán hết từ thủa nào. Kiểm tra mấy tên miền tôi đã ấp ủ từ lâu thì cũng vừa bị mua mất các đây 2 tháng và bởi một đơn vị cung cấp Domain – thế mới cay chứ.
Chán nản, tôi quyết định chọn bừa lấy 2 tên miền thì chợt phát hiện ra tên miền tinhocvn.net còn trống. Một số công cụ kiểm tra tên miền (Whois) không kiểm tra được, một số cho kết quả là có thể đăng ký. Nghi là tên miền này vừa hết hạn, ngay lập tức tôi liên hệ đến công ty 3.99$ nọ để họ xác minh giùm. Sau một lúc họ thông báo rằng tôi có thể đăng ký tên miền này. Tôi mừng rơn, khẩn khoản xin họ bán ngay cho. Khổ nỗi họ không chấp nhận việc Scan hóa đơn gửi tiền, chỉ khi nào tiền vào túi họ thì họ mới thực hiện dịch vụ. Gay thật, chẳng may trong lúc chờ đợi mà tên miền nọ bị mua mất thì toi. Biết thế nhưng chẳng còn cách nào ngoài chọn cách gửi tiền nhanh nhất là qua ngân hàng và chờ đợi họ xác minh tiền đã vào tài khoản. Và điều tôi lo lắng đã xảy ra. 3h chiều, công ty 3.99$ thông báo cho tôi một “tin buồn”: tên miền tinhocvn.net đã bị mua mất lúc 2h30. Tôi có hỏi thì họ cho biết đó là một người Apakistan hay Romani gì đó. Thế là toi giấc mộng vàng của tôi. Họ khuyên tôi trong lúc chờ đợi họ xác minh tiền gửi vào tải khoản thì mau chọn một tên miền khác, “không nhanh mà bị mua mất như lần trước thì lại tiếc”.
Tên miền đẹp – Chỉ cần một ý tưởng.
Khi tìm kiếm tên miền chính là lúc cần phát huy những ý tưởng sáng tạo. Phải nghĩ ra nhũng cái tên độc nhất vô nhị, tránh trùng hợp với những cái tên dễ dãi (vì đã bị mua hết rồi) nhưng vẫn phải đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, đặc biệt là yếu tố gợi nhớ bằng cách liên quan đến nội dung trang Web. Vẫn còn (tuy không nhiều) những tên miền đảm bảo tiêu chuẩn trên, chỉ có điều phải nghĩ ra nó mà thôi. Vắt óc ra suy nghĩ, vận dụng mọi cái tên có thể, cuối cùng tôi đã chọn mua được 3 tên miền khá đẹp với giá 3.99$/1 tên miền. Quá mỹ mãn - Tôi tự nghĩ.
Giá rẻ - Chất lượng sẽ thấp
Sung sướng với cái giá rẻ bao nhiêu thì tôi bàng hoàng bấy nhiêu vì vào Domain Control panel thì không thấy mục nào cho phép thiết lập Subdomain (tên miền phụ, có dạng ten.tentoi.com). Bức xúc liên hệ với cty nọ thì tôi nhận được trả lời: “Muốn có subdomain thì không có giá ấy đâu! ”. Trời ạ! 3 năm lướt Web mà tôi vẫn chưa thấm lời khuyên của “bằng hữu” trên mạng: “Đừng nên tham giá rẻ; giá rẻ, chất lượng sẽ thấp”. Giờ thì mới thấy nó đúng quá! Còn câu này nữa: “Đừng nên mua ở những công ty không có tên tuổi! vào một ngày đẹp trời, họ sẽ biến mất, bất ngờ như cách họ đã xuất hiện.” Bây giờ thì tôi chỉ còn cách “cầu nguyện” cho công ty kia sống lâu trăm tuổi (không thì cũng vài tuổi) để tôi còn được nhờ.
Lời kết
Vậy đấy, làm một trang Web đã khó, mua một tên miền ưng ý càng không phải là chuyện dễ. Nếu bạn có Website, hãy mua ngay cho nó một tên miền. Và chú ý: hãy nhớ lời khuyên của những bậc tiền bối, chúng chẳng bao giờ thừa!
CMS là gì? CMS là từ viết tắt từ Content Management System. Theo wikipedia Định nghĩa. Hệ quản trị nội dung, cũng được gọi là hệ thống quản lý nội dung hay CMS (từ Content Management System của tiếng Anh) là phần mềm để tổ chức và tạo môi trường cộng tác thuận lợi nhằm mục đích xây dựng một hệ...
Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đang thực hiện mời thầu cho: Gói thầu: “Thuê hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện năm 2025 -2026”. Thời hạn đóng thầu09:00 27/12/2024.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện mời thầu cho: Gói thầu số 03: “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin phần mềm Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Lạng Sơn”. Thời hạn đóng thầu 15:00 24/12/2024.
Bộ Tư lệnh 86 /Bộ Quốc phòng đang thực hiện mời thầu cho Gói thầu: Mua sắm, mở rộng phần mềm tự động sao lưu dữ liệu. Thời hạn đóng thầu 08:30 14/12/2024.
Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thực hiện mời thầu cho Gói thầu số 1: Thuê website sàn thương mại điện tử và các dịch vụ cài đặt, quản trị, vận hành. Thời hạn đóng thầu 10.00 05/12/2024.
Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi đang thực hiện mời thầu cho Gói thầu “Gói thầu số 01: Nâng cấp cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh”. Thời hạn đóng thầu 08:00 23/11/2024.
Thư viện tỉnh Hưng Yên trực thuộc sở văn hóa thể thao và du lịch đang thực hiện mời thầu cho Gói thầu “Gói thầu số 03: Nâng cấp phần mềm thư viện”. Thời hạn đóng thầu 16:00 19/11/2024.